16h30 nhận trực. Đi buồng cùng với học viên, sinh viên xem một lượt bệnh nhân mới vào, bệnh nhân nặng cần theo dõi.
Số lượng bệnh nhân theo dõi nhiều nhất là bệnh nhân trầm cảm, và trong số đó không ít người có ý định, hành vi tìm cách kết thúc cuộc đời của mình.
Khi cuộc sống đối với họ không còn ý nghĩa, họ không còn muốn tồn tại trên cõi đời này, họ muốn ông thần chết vung cái lưỡi hái trên tay để lấy đi cuộc sống của họ. Nhưng thần chết từ chối, càng từ chối thì họ lại càng tìm đến với vị thần mà mọi người đều không thích và cố tránh xa ra. Có những bệnh nhân chủ động chia sẻ nói ra với người thân, bạn bè về tình trạng của mình và đến gặp bác sĩ, nhưng có bệnh nhân thì không nói gì và cứ lặng lẽ âm thầm ra đi. Với những bệnh nhân như vậy bác sĩ phải lấy lại cho họ tình yêu cuộc sống, yêu bản thân bằng mọi cách.
21h30. Điện thoại reo. Cô ơi có bệnh nhân có dấu hiệu của shock thuốc. Mình vội vàng chạy xuống xem bệnh nhân. Đó là một bệnh nhân 64 tuổi có chỉ định truyền kháng sinh, vừa được truyền xong bệnh nhân có biểu hiện của shock phản vệ. Cả tua trực đã nhanh chóng xử trí và chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Điều may mắn đã đến với bệnh nhân, tình trạng của người bệnh đã ổn định sau cấp cứu. Một bệnh nhân đã bị vị thần kia từ chối.
22h: Cô ơi có hai bệnh nhân xin ra viện. Đó là hai bệnh nhân được nhận về từ khoa thần kinh sau khi đi hội chẩn. Mình cố gắng giải thích cho bệnh nhân và người nhà hãy ở lại điều trị, đây mới là chuyên khoa điều trị đúng căn bệnh của họ. Nhưng họ không muốn nằm viện tại khoa Tâm thần, họ vẫn sợ rằng mình bị bệnh Tâm thần và họ từ chối nằm viện khi biết mình đang điều trị tại đây.
22h30: Cô ơi có bệnh nhân X, bệnh nhân Y vào viện, …cứ thế rồi cũng gần đến sáng. Đêm trực hôm nay 'đông khách' quá, mấy em bác sĩ nội trú và học viên nói chuyện với nhau.
6h30: Ký sổ giao ban và bàn giao tua trực sau. Mình tranh thủ đi tìm mua một cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng để tặng người bạn như đã hẹn. Nhà văn đó cũng là một bệnh nhân mắc chứng bệnh trầm cảm và đến bây giờ đã được điều trị khỏi bệnh, đã tìm lại được tình yêu cuộc sống và không còn muốn tìm đến vị thần lạnh lùng kia nữa.
Chiều 13h30, tiếp tục chiến đấu với căn bệnh trầm cảm, tham dự một cuộc hội thảo chuyên gia: "Đột phá về dược lý trong điều trị cấp cứu trong rối loạn trầm cảm nặng", hy vọng những bệnh nhân trầm cảm nặng có ý tưởng hành vi tự sát của mình sẽ được điều trị nhanh khỏi bệnh và thoát ra khỏi ý tưởng hành vi tự sát khi có được loại thuốc mới.
Hà Nội đang vào giữa mùa đông. Những ngày này nhiệt độ xuống sâu, trời rét buốt dù có nắng. Nhiều người bảo mùa đông lãng mạn nên tạo ra nhiều cảm xúc với những cung bậc khác nhau, nỗi nhớ mùa đông, rồi đêm đông…nhưng với một bác sĩ tâm bệnh như mình thì mùa đông cũng là 'mùa của trầm cảm'. Một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với mình: Thời tiết Hà Nội thích nhỉ, lần đầu tiên em được ra Hà Nội vào mùa đông, cảm giác thú vị thật. Đây là đặc sản của Hà Nội. Tất nhiên, dưới con mắt của người phương nam chưa bao giờ được tận hưởng cái rét của mùa đông thì mùa đông đẹp, lãng mạn cảm giác như người ta gần gũi yêu thương nhau hơn. Nhưng với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì mùa này là mùa tiếp nhận bệnh nhân trầm cảm nhiều hơn do tỉ lệ mắc trầm cảm cao hơn mùa hè.
Ừ thì, dù có là gì đi nữa thì bác sĩ chúng mình sẽ đem lại cho những người bệnh trầm cảm những tia nắng ấm áp để xua tan đi những ngày đông lạnh giá.