Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - BV Bạch Mai tiếp nhận ông Trần Minh H. trong tình trạng sốc giảm thể tích, xuất huyết tiêu hóa nặng, xơ gan. Qua khai thác bệnh sử, được biết người bệnh đã mắc viêm gan B nhiều năm nhưng không theo dõi, điều trị.
Trước đó, khi điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh nhân đã lơ mơ, kích thích vật vã, xuất huyết tiêu hóa (đi ngoài phân đen, nôn ra máu) và suy hô hấp. Để duy trì đường thở, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, suy hô hấp, thở máy, huyết áp thấp, mạch nhỏ khó bắt (tim 84 lần/phút, HA: 80/50mmHg), niêm mạc nhợt.
Chỉ số các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" (hồng cầu: 1,01 T/L, Hemoglobin: 16 g/L (thiếu máu nặng); Suy gan: PT: 16%, PT-INR: 4,57, suy hô hấp, thở không theo máy, tần số 28ck/phút, FiO2 40%...). Tiên lượng bệnh nhân rất dè dặt và cơ hội sống mong manh.
Điều đáng nói là bệnh nhân H. đang là F1 do trước đó có tiếp xúc gần với một bệnh nhân có dương tính với SARS-CoV-2 nên mọi hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đều theo quy chuẩn cách ly y tế nghiêm ngặt.
Do tình trạng quá nặng, không thể di chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực cũng như đến Trung tâm nội soi tiêu hóa để can thiệp do vậy các bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) đã quyết định can thiệp cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân.
Ngay trong đêm, kíp trực của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn khẩn cấp với chuyên khoa Hồi sức tích cực, Tiêu hóa và Thận nhân tạo. Bệnh nhân được truyền máu tích cực nhằm đảm bảo các chức năng sinh tồn; đồng thời, kíp nội soi của Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật đã khẩn trương vận chuyển máy nội soi di động tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Kết quả, kíp nội soi tiêu hóa đã tìm được điểm chảy máu (do vỡ tĩnh mạch thực quản), thắt 5 vòng cao su để cầm máu cho bệnh nhân. Mặc dù được can thiệp cấp cứu rất khẩn trương và tích cực nhưng những ngày sau đó tình trạng suy đa tạng của bệnh nhân không tiến triển. Bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch, suy thận, toan chuyển hóa.
Trong ngày đầu, các bác sĩ đã truyền hơn 3.000 ml chế phẩm máu. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện những biến chứng của bệnh lý xơ gan: suy gan tăng lên, suy hô hấp - viêm phổi (CT ngực có tổn thương đông đặc lan tỏa 2 phổi), hôn mê kéo dài.
Bệnh nhân được chỉ định mở khí quản, can thiệp đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, thở máy xâm nhập, truyền máu và các chế phẩm máu, điều trị tình trạng suy gan nặng…
Với sự chăm sóc và điều trị tận tình của các y bác sĩ, sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, gọi hỏi có đáp ứng, giảm sốt, đờm loãng hơn, tình trạng suy gan không tiếp tục tăng, cai thở máy... 14 ngày tiếp theo, bệnh nhân được rút Canuyl mở khí quản.
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc vừa cấp cứu, vừa điều trị kịp thời, vừa tuân thủ cách ly phòng chống dịch đòi hỏi sự nỗ lực, lòng yêu nghề cũng như sự chuyên nghiệp, kỹ năng của đội ngũ nhân viên y tế, để giành lấy sự sống cho người bệnh.
Thành công của ca bệnh nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng kịp thời của tất cả các chuyên khoa, cùng sự tận tình của các nhân viên y tế BV Bạch Mai đã luôn nỗ lực hết mình vì sức khỏe của người bệnh.