Bác sĩ 'cân não" cứu bệnh nhân ung thư thận tiên lượng tử vong đến 90%

31-05-2023 16:19 | Y tế
google news

SKĐS - Việc thực hiện phẫu thuật là một quyết định "cân não" vì người bệnh ngoài bị ung thư thận, còn có nhiều bệnh nền phối hợp như đái tháo đường loại 2, xơ vữa mạch vành, nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong ngay trong hoặc sau mổ lên tới 90%.

Chiều 31/5, BS.CKII. Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim-Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân cho biết, các bác sĩ ở đơn vị này vừa hội chẩn liên viện với Viện Tim TP.HCM để phẫu thuật cứu tính mạng ông P.H.P. (64 tuổi) bị ung thư thận trái có chồi bướu lan sát đến tim. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong trong vài ngày khi chồi bướu gây tắc đường máu đổ về tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi trên nền đái tháo đường và xơ vữa mạch vành.

Trước đó, ông P.H.P. tình cờ được phát hiện bướu thận trái khi đi khám sau 3 tuần người bệnh có triệu chứng tiểu máu đỏ tươi kèm theo máu cục. 

Tại Bệnh viện Bình Dân, qua phim MSCT-scan (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt - PV), các bác sĩ phát hiện ông có một khối u thận trái kích thước 68x49mm đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Điều đáng lưu ý là khối u này có chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải. Phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh trước khi chồi bướu xâm lấn vào tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi. Quá trình phẫu thuật này còn phải có sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để kiểm soát và cô lập tim, không cho máu đổ về đoạn tĩnh mạch đang phẫu thuật để các bác sĩ mới thao tác chính xác.

Cuộc phẫu thuật "cân não" để cứu sống bệnh nhân ung thư thận  - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Đây là một trường hợp phẫu thuật rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa bao gồm Tiết niệu, Mạch máu, Tim mạch, Gan mật, Nội khoa và ê-kíp Gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm để thực hiện các mục tiêu:

1. Lấy toàn bộ chồi bướu, huyết khối trong tim và tĩnh mạch chủ

2. Phòng ngừa bướu và huyết khối làm tắc động mạch phổi

3. Bảo đảm huyết động học cho bệnh nhân, không mất nhiều máu

4. Phòng ngừa thiếu máu các tạng 

5. Cắt thận trái có bướu. 

Việc thực hiện phẫu thuật là một quyết định phải rất "cân não" vì người bệnh có nhiều bệnh nền phối hợp bao gồm đái tháo đường loại 2, xơ vữa mạch vành, nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong ngay trong hoặc sau mổ lên tới 90%.

Bên cạnh đó, việc tiến hành phẫu thuật còn gặp phải nhiều thách thức là người bệnh có bệnh lý nền phức tạp bao gồm xơ vữa và hẹp mạch vành. Sau hội chẩn tim mạch, các bác sĩ đánh giá nguy cơ nhồi máu cơ tim của người bệnh trong và sau phẫu thuật khoảng 80%, nguy cơ tử vong lên đến 90%.

Trước tình hình tính mạng của người bệnh "ngàn cân treo sợi tóc", Hội đồng khoa học của Bệnh viện Bình Dân đã được triệu tập với sự chủ trì của Giám đốc bệnh viện đã lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật để đảm bảo khả năng thành công cao nhất cho người bệnh. 

Sáng 19/05, người bệnh được tiến hành phẫu thuật. Để hạn chế các tổn thương cho người bệnh, các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn để người bệnh không phải chịu đường mổ lớn chẻ xương ức mà chỉ mở đường mổ nhỏ ở sườn phải. Cùng với đường đâm kim ở tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch đùi, các bác sĩ đã thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể cho người bệnh. Nhóm các bác sĩ Niệu sau đó bộc lộ tĩnh mạch, động mạch thận trái, các bác sĩ Gan mật cô lập hệ thống tĩnh mạch cửa đổ máu về gan để hạn chế máu từ gan đổ vào tĩnh mạch chủ gây mất máu lượng lớn. Tiếp đến là các bác sĩ Mạch máu tiến hành bộc lộ tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch thận phải, động mạch thận phải. 

Khi đã thiết lập được hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể và ê-kíp gây mê để đảm bảo huyết động học, ê-kíp mạch máu đã mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu dài hơn 10 cm từ nhĩ xuống thận trái. 

BS.CKII. Hồ Khánh Đức cho biết, cuộc phẫu thuật diễn ra khoảng 6 giờ, toàn bộ thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể là 60 phút. Thời gian mở nhĩ, mở tĩnh mạch chủ để lấy chồi bướu trong khoảng 20 phút. Đây là cuộc mổ khó khăn, bệnh lý nền phức tạp, nguy cơ tử vong lên tới 90%. Với sự quyết tâm của ban lãnh đạo bệnh viện, sự phối hợp tốt đa chuyên khoa của tim mạch, tiết niệu và vai trò quan trọng gây mê hồi sức đã giúp cho ca phẫu thuật thành công.

Hiện tại, sau hậu phẫu ngày đầu tiên, người bệnh đã rút nội khí quản, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định. Dự định người bệnh được xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 7.

Cuộc phẫu thuật "cân não" để cứu sống bệnh nhân ung thư thận  - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thăm bệnh nhân trước khi xuất viện.

Theo TS.BS. Phạm Phú Phát - Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, các trường hợp bướu thận tại Bệnh viện Bình Dân không hiếm và hằng năm có đến hàng ngàn trường hợp  phẫu thuật bảo tồn thận cho người bệnh có bướu ở giai đoạn sớm cho đến cắt bướu toàn phần. Tuy nhiên, trường hợp bướu thận có chồi ăn lan phức tạp tiến lên gần tim rất nguy hiểm, đòi hỏi phải phối hợp đa chuyên khoa để giải quyết các vấn đề bệnh lý cho người bệnh chỉ trong một cuộc mổ. 

"Đối với phẫu thuật lớn như thế này, cần phải có rất nhiều các chuyên khoa phối hợp hiệu quả để kiểm soát tai biến biến chứng", TS.BS. Phạm Phú Phát chia sẻ.

Tiểu ra máu cả tháng, phát hiện u thận khổng lồTiểu ra máu cả tháng, phát hiện u thận khổng lồ

SKĐS - Người phụ nữ 49 tuổi (ở Hà Nội) vào viện với triệu chứng đái máu kéo dài và đau vùng thắt lưng phải kéo dài hơn một tháng. Các bác sĩ phát hiện khối u thận nặng 2,8kg.


Kim Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn