Bệnh nhân có tiền sử thận đa nang bẩm sinh 2 bên phát hiện nhiều năm, suy thận mạn giai đoạn cuối đã lọc máu chu kỳ 2 lần/ tuần.
BS. Trần Đức Dũng - khoa Tiết niệu trên, BV Trung ương Quân đội 108 cho hay, thăm khám cho bệnh nhân thấy bụng to căng chắc cả 2 bên, bên phải to hơn, ấn đau bên phải, thể trạng yếu, hội chứng thiếu máu. Hình ảnh CT Scan hệ tiết niệu thấy thận đa nang 2 bên, bên phải có hình ảnh chảy máu trong nang kích thước thận lớn 15 cm. Soi bàng quang có máu đỏ phun từ thận phải.
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa ngoại tiết niệu và khoa lọc máu chẩn đoán xác định thận đa nang kích thước lớn bên phải có biến chứng đái máu kéo dài gây mất máu, có chỉ định phẫu thuật.
BS. Dũng chia sẻ: "Vì thận đa nang kích thước lớn trên bệnh nhân thiếu máu nên chúng tôi đi đường bụng, kiểm soát cuống mạch thận, hạn chế chảy máu và tổn thương tạng xung quanh. Thời gian phẫu thuật 60 phút, không phải truyền máu sau mổ, kích thước khối u hơn 30 cm, nặng 2,8kg".
Sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường, chuyển khoa lọc máu theo chu kỳ.
BS. Dũng đánh giá đây là ca phẫu thuật khó, "cắt thận phải đa nang khổng lồ đòi hỏi tỉ mỉ, tránh làm tổn thương ruột và hạn chế chảy máu. Việc cầm máu trong mổ rất quan trọng vì sau khi lấy thận nó sẽ là một khoang trống rộng lớn, rất dễ chảy máu thứ phát khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo sau mổ ngày thứ 2".
Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của thận đa nang
Theo các bác sĩ, bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease) là bệnh di truyền, có 2 loại: di truyền theo tính trạng lặn hoặc trội. Bệnh di truyền theo tính trạng trội thường khởi phát bệnh ở tuổi trung niên, còn theo tính trạng lặn thường khởi phát ở tuổi thiếu niên.
Tuy nhiên, khởi phát bệnh thường là người lớn biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện sau 30-40 tuổi, rất ít gặp khởi phát bệnh khi còn nhỏ.
Một số triệu chứng phổ biến của thận đa nang bao gồm:
- Đau ở bụng, đau dưới hạ sườn phải hoặc đau vùng thận 2 bên, đau âm ỉ
- Tiểu nhiều và thường xuyên đi tiểu ra máu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn tiểu tiện, có thể nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng gây đái buốt, đái rắt
- Sỏi thận
- Cảm thấy đau hoặc nặng tức ở phần lưng
- Da dễ bị bầm tím và nhợt nhạt
- Cơ thể mệt mỏi
Bệnh thận nang có thể kết hợp với nang gan cùng các bất thường tim mạch và thường dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy, việc hiểu biết về bệnh và biết cách đề phòng biến chứng nguy hiểm là vô cùng quan trọng. Việc chẩn đoán dựa vào siêu âm ổ bụng, CT Scan và MRI.
Đối với người bệnh bị thận đa nang nên khám sức khỏe thường xuyên theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa thận để kiểm soát huyết áp, chế độ ăn ít muối, ít protein, uống đủ nước, uống thuốc kháng sinh theo chỉ định khi có nhiễm khuẩn, đặc biệt cân nhắc ghép thận trong tương lai – BS. Trần Đức Dũng khuyến cáo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cực nguy hiểm nếu cho trẻ ăn mặn