'Cuộc đời em tưởng đã bỏ đi rồi…'

25-11-2024 16:14 | Xã hội
google news

SKĐS – 'Con em năm nay vào lớp 3, nhưng em chưa bao giờ dắt tay con đi khai giảng, không biết con mình học ở đâu, lớp nào, ai chủ nhiệm?… Em không biết liệu mình có thể có một cuộc sống bình thường, được chăm sóc và ôm ấp con mỗi ngày… như bao người phụ nữ khác hay không?...'

Giải pháp nào thực hiện chỉ tiêu về dự phòng lây nhiễm HIV?Giải pháp nào thực hiện chỉ tiêu về dự phòng lây nhiễm HIV?

SKĐS -Theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 về dự phòng lây nhiễm HIV, cần đạt được mục tiêu mở rộng, đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.


N.T.K.H (bệnh nhân HIV đang điều trị ARV tại Bệnh viện 09 - Hà Nội) nghẹn ngào khi kể về cuộc đời mình.

Sinh ra trong một gia đình đông con ở Hà Nội, không như những chị em khác, ở tuổi dậy thì H. bướng bỉnh, nghịch ngợm, không nghe lời bố mẹ. Cô bỏ học khi mới chỉ 13-14 tuổi và lao vào buôn bán kiếm tiền.

Trượt dài trên những cám dỗ...

Trong thế giới vô vàn cám dỗ và cạm bẫy, H. đã vấp ngã. Cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo, xinh xắn ấy đã nghiện ma túy lúc nào không hay. Để có thể thỏa mãn những cuộc chơi màu trắng, lúc đầu H. còn đi chợ được, còn có tiền mua ma túy. Sau không buôn bán nữa, H. cùng bạn trai tìm mọi cách để có tiền, thỏa mãn cơn nghiện, kể cả phạm pháp!

Chỉ lỡ một nhịp thôi, cuộc đời của  H. cứ thế trượt dài trong những cuộc chơi và bàng hoàng hơn nữa, sau khi đứa con đầu lòng mất hồi tháng 8/2004, H phát hiện ra mình đã bị HIV. "Cái chết của con, rồi nghe tin mắc căn bệnh quái ác này, em suy sụp, chán đời và lại lao vào ma túy. Cuộc đời em cứ thế trượt dài…". - mắt nhìn về xa xăm khi H. nhắc lại quá khứ đau buồn này.

'Cuộc đời em tưởng đã bỏ đi rồi…'- Ảnh 2.

Nhờ uống ARV, sức khỏe của H. tốt lên rất nhiều.

Rất may H. có mẹ và gia đình luôn ở bên và yêu thương. "Mẹ là người thương em nhất. Ngay từ khi biết em nghiện ma túy, mẹ đã khóc và khuyên em rất nhiều. Nhưng, khi ấy trẻ tuổi, thiếu hiểu biết nên em đã bỏ ngoài tai lời mẹ nói, chạy theo tiếng gọi của dục vọng, của những ảo giác ma túy mang đến, nên em đã sai lại càng thêm sai...

Khi gia đình biết em nhiễm HIV đã động viên rất nhiều. Thấy sức khỏe yếu, mẹ và chị đã động viên em đi khám và điều trị HIV. Em vẫn sinh hoạt, ăn uống chung với cả nhà. Hàng ngày, mẹ vẫn chăm sóc em, buổi tối vẫn ngủ cùng em", H. nhớ lại.

Cho đến năm 2009, H. mới bắt đầu uống thuốc ARV, nhưng cũng chỉ được một thời gian sau, H. lại bỏ điều trị và tái nghiện. Năm 2015, H. lại tiếp tục uống thuốc ARV, nhưng vẫn không dứt được cám dỗ của ma túy và năm 2016, khi đã 36 tuổi, H. sinh con. Không có tiền, không có điều kiện chăm sóc, H. gửi con về bà nội. Rồi một tai nạn đã khiến H. bị xẹp đốt sống, gãy chân, đi lại khó khăn vô cùng… Đến tháng 4/2020, H. xin về Bệnh viện 09 điều trị và uống lại thuốc ARV.

'Cuộc đời em tưởng đã bỏ đi rồi…'- Ảnh 3.

Thi thoảng, H, gọi điện thoại cho con...

Sự hối hận muộn màng

"May mắn là em đã được điều trị tại Bệnh viện 09 từ năm 2020 đến nay, nên sức khỏe tốt lên rất nhiều và không còn nghiện ma túy", H. vui vẻ khoe. Bây giờ, thi thoảng, người nhà đưa con vào thăm H. rồi hai mẹ con vẫn thi thoảng gọi điện cho nhau.

Những ngày ở trong viện, H. có thời gian tĩnh tâm để nghĩ về mình, về những sai lầm đã trải qua và mình sẽ làm gì trong quãng đời còn lại… sao cho có ý nghĩa!

Chia sẻ về trường hợp của H., Ths. BS. Nguyễn Ngọc Hưng (Trưởng khoa nội tổng hợp, Bệnh viện 09 Hà Nội) cho hay: "Trước đây, bệnh nhân H. đã điều trị ở các bệnh viện khác, nhưng không tuân thủ điều trị. Giai đoạn đầu bệnh nhân hoảng loạn, không có niềm tin vào việc điều trị HIV và có nghiện ma túy. Đến lúc cơ thể suy kiệt, mới vào Bệnh viện 09, tuyến cuối của Hà Nội để điều trị HIV.

Lúc vào viện năm 2020, H. không đi lại được, sinh hoạt rất bất tiện. Tất cả mọi sinh hoạt là nhờ các bác sĩ và điều dưỡng ở đây. Đến nay sức khỏe bệnh nhân tốt lên rất nhiều, tăng cân, đi lại bình thường và tự chăm sóc được. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của người thân…".

Rời khỏi phòng bệnh, tôi hy vọng, nhìn thấy con H. khỏe mạnh (con của H. may mắn không bị nhiễm HIV), sự quan tâm của người thân... sẽ tạo đà cho H. nỗ lực hết mình, là động lực lớn nhất giúp H. tiếp tục điều trị HIV, để bước tới một cuộc sống mới tốt đẹp hơn...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.


Nguyễn Hạnh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn