Hà Nội

Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam qua con mắt của một bạn trẻ Cameroon

14-11-2020 10:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việt Nam đang tạo ấn tượng mạnh với bạn bè khắp năm châu về khả năng tận dụng tối đa nguồn lực khống chế dịch COVID-19 thành công. Nhiều người nước ngoài, trong đó có các bạn trẻ đã rất ấn tượng về thành công của Việt Nam trong chiến thắng đại dịch. "Cuộc chiến chống COVID-19: Ấn tượng Việt Nam" là bài viết của một bạn trẻ người Cameroon đã giành giải tại cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ.

Nganou Kwefeu Yannick Stephane (ngoài cùng bên phải), sinh viên người Cameroon giành giải Thí sinh Ấn tượng với bài viết "Cuộc chiến chống COVID-19: Ấn tượng Việt Nam" trong cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ.

Nganou Kwefeu Yannick Stephane là một bạn thanh niên người Cameroon đã gửi bài dự thi mang tựa đề"Lutte contre le COVID-19, le Vietnam, un cas exceptionnel" (Cuộc chiến chống COVID-19: Ấn tượng Việt Nam) tới cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ do báo Le Courrier du Vietnam (tờ báo tiếng Pháp của Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức dưới sự bảo trợ của một số tổ chức và các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Ma-rốc, Đại sứ quán Thụy Sỹ, Đại sứ quán Canada, Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF), Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Hà Nội), và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Bài viết của Stephane đã kể về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 dưới con mắt của những người nước ngoài đang sinh sống, học tập tại Việt Nam. Thành công đó có tác động tích cực lên cuộc sống của những người nước ngoài tại Việt Nam, điển hình là ca hồi sinh kỳ diệu của phi công người Anh nhiễm COVID-19 - người đã được các bác sỹ Việt Nam chữa khỏi bệnh.

Stephane ấn tượng với việc Việt Nam là một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên thế giới dù sát biên giới với Trung Quốc, có được thành quả đó là nhờ kinh nghiệm ứng phó SARS trước đây và nhanh chóng trong phản ứng kể từ ca nhiễm đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Stephane cũng bày tỏ sự ngạc nhiên qua lăng kính của một sinh viên quốc tế, một câu hỏi quan trọng đáng suy ngẫm là Việt Nam có "thần dược" gì hồi phục qua đại dịch COVID-19? Đó là nhờ sự tận tâm cứu chữa người bệnh COVID-19 hay các phương pháp nghiêm ngặt được áp dụng để bảo vệ người dân? Thế giới sẽ ra sao sau cuộc khủng hoảng COVID-19? Đó là những câu hỏi cần nghiên cứu thêm là lời kết bài viết của Stephane.

Báo Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) xin trích đăng bài viết của Nganou Kwefeu Yannick Stephane, bạn sinh viên quốc tế người Cameroon đang sinh sống và học tập tại Việt Nam:

"Cuộc chiến chống COVID-19: Ấn tượng Việt Nam

Cho dù chúng tôi đang ở Yaoundé, Kharkiv, Toulon, hay thậm chí ở Hà Nội, quan sát dường như giống nhau, COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta và để đối mặt với nó, mỗi quốc gia áp dụng các biện pháp mà mình tin là có hiệu quả, nhằm ngăn chặn đại dịch đang gây ra sự u ám và xáo trộn trong các gia đình trên khắp thế giới.

Bài viết Lutte contre le COVID-19, le Vietnam, un cas exceptionnel" (Cuộc chiến chống COVID-19: Ấn tượng Việt Nam) của Stephane, sinh viên quốc tế người Cameroon đăng tải trên Le Courrier du Vietnam.

Vấn đề hóc búa khi đối mặt với khủng hoảng do đại dịch này không chỉ nằm ở chất lượng của hệ thống y tế, mà còn nằm ở các quyết định chiến lược liên quan đến các phương pháp thích hợp để ngăn chặn khủng hoảng. Đây là lý do tại sao trường hợp của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 lại rất đặc biệt. Lấy ví dụ về ca hồi phục của phi công người Anh được gọi là "bệnh nhân 91", biểu tượng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Đây là một bệnh nhân có tình trạng nguy kịch, và cận kề cửa tử, dung tích phổi suy giảm 10%. Nhưng sau khi được chăm sóc tận tình và trải qua 115 ngày điều trị, viên phi công này đã được xuất viện vào ngày 11 tháng 7.

Kinh nghiệm trong quá khứ với virus SARS

Với dân số 97 triệu người, Việt Nam là một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á và thế giới nói chung. Có chung đường biên giới dài 1.000 km với Trung Quốc (quốc gia nơi virus xuất hiện và ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới), thành tích điển hình của Việt Nam khi đối mặt với đại dịch này nằm ở chiến lược kiểm soát hơn là cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, theo AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), tỷ lệ số giường bệnh trên 1.000 dân ở Việt Nam thấp hơn ở các nước châu Âu như Pháp, tức là 3,2 năm 2018 so với 6 ở Pháp.

Chìa khóa thành công cũng tương tự như trong cuộc khủng hoảng SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp) năm 2003. Đó là nhờ sự quyết tâm đến cùng và thực hiện các giải pháp đầy đủ với niềm tin rằng "Việt Nam sẽ đánh bại virus" và  trở thành quốc gia đầu tiên bị loại khỏi danh sách các nước có lưu hành bệnh SARS vào năm 2003."

Nhanh chóng trong phản ứng, từ những tín hiệu đầu tiên

Chỉ một tuần sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ghi nhận trên thế giới, vào ngày 23/1, Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc và các trường học cũng không mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Việt Nam thậm chí còn cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nằm ở phía bắc Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, nơi có hơn mười nghìn người sinh sống. Hồi đầu tháng 3, trong thời gian phong tỏa, bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam được cách ly 2 tuần cho đến khi biên giới đóng cửa hoàn toàn sau đó vài ngày. Trong khi vào lúc đó, các quốc gia khác trên thế giới bao gồm Pháp, Cameroon và thậm chí là Ukraine "vẫn đang tụt hậu" và chuẩn bị đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt muộn vài ngày hoặc vài tháng sau đó trong khi chứng kiến ​​tốc độ cấp số nhân của các ca nhiễm COVID-19 và những trường hợp tử vong đầu tiên.

"Đẩy lùi virus corona, corona!", thông điệp từ vũ điệu phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam đã có hơn 5 triệu lượt xem trên Youtube. Bài hát "Ghen cô vy" nâng cao nhận thức về phòng chống COVID-19 do Bộ Y tế Việt Nam đăng tải về các biện pháp người dân luôn phải áp dụng để ngăn ngừa COVID-19. Video hướng dẫn cách sử dụng xà phòng và chà xát đôi tay của bạn… "Ghen cô vy" truyền đi thông điệp phòng bệnh có hiệu quả như một "liều thuốc" thực sự.

Việt Nam đã thiết lập hệ thống các cấp độ cho các trường hợp tiếp xúc với virus. F0 cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính, sau đó một danh sách những người đã tiếp xúc với F0 được thiết lập, được gọi là F1. Họ ngay lập tức được đưa vào trung tâm cách ly và cũng phải thông báo một cách có hệ thống cho những người mà họ đã tiếp xúc. Về phần những người tiếp xúc với F1, được gọi là F2 phải tôn trọng các biện pháp nghiêm ngặt về cách ly xã hội, phải cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày.

Cũng phải kể thêm việc luân chuyển cán bộ y tế ở ký túc xá đại học để thực hiện các xét nghiệm. Một số biện pháp cơ bản được bổ sung cho vấn đề này, chẳng hạn như: giãn cách xã hội 3m, bắt buộc đeo khẩu trang, đóng cửa tất cả các địa điểm công cộng (hộp đêm, quán bar, quán ăn nhanh, các điểm du lịch). Chỉ có một số siêu thị vẫn mở cửa để cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Cameroon và một số quốc gia khác đã quyết định mở cửa các quán bar, đồ ăn nhẹ, câu lạc bộ đêm. Và đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận tổng số 37 người tử vong do COVID-19, tất cả đều từ đợt dịch thứ hai.

Các biện pháp kinh tế - xã hội

Việt Nam đã đạt được những bước tiến ngoạn mục trong hơn 30 năm qua, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo: 58,1% dân số sống dưới mức nghèo khổ năm 1993 so với 9,8% năm 2016, một con số vẫn đang tiếp tục tăng vào năm 2019, đã có thể tìm ra giải pháp bằng cách lựa chọn các biện pháp hoãn thuế và phí, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và bảo trợ xã hội cho những người thiệt thòi nhất, và bằng cách đề xuất các thỏa thuận cho vay với lãi suất chuẩn.

Sinh viên quốc tế nhận hàng tiếp tế trong thời gian phong tỏa. (Nguồn ảnh: IFI/CVN)

Ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam chia sẻ: "Điều cốt yếu là đất nước phải duy trì những thành tựu về xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc xác định và đang trên đà đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Để hỗ trợ những nỗ lực này, chúng tôi hiện đang thảo luận với chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phát triển ngân sách đặc biệt ”.

.....Viện Quốc tế Pháp ngữ (Institut Francophone International-IFI) cũng hỗ trợ rất nhiều bằng các hình thức quyên góp và trợ giúp khác nhau cho các sinh viên quốc tế sống xa gia đình hầu hết đều gặp phải khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng."


Nguyễn Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn