Tự nhận mình viết nhiều bài báo về phụ nữ, nhà báo Hoàng Minh Trí nhớ lại, thuở trước gia đình anh có căn phòng 18m2, ở đó có sự hiện diện của hai người đàn ông. Bố anh đi làm suốt và chỉ về nhà tuần khoảng đôi lần, Hoàng Minh Trí ở cùng với bà nội, hai em gái của bố và chị gái. Điều này giúp anh có thời gian dài chứng kiến tuổi thanh xuân của chị, của hai cô từ khi có bạn trai và sau này thành rể trong gia đình. “Tôi chứng kiến nhiều sự thiệt thòi của người phụ nữ thời bao cấp, yêu đương và những sự cấm cản của gia đình. Tôi cảm nhận được hạnh phúc của cô mình khi chồng là thủy thủ tàu viễn dương, gửi từ nơi rất xa về cho một quả táo Nhật và một cái tai nghe. Lần đầu tiên tôi chụp cái tai nghe đó vào tai mình và nghe được bản nhạc của Model Talking” – nhà báo Hoàng Minh Trí cho biết.
Nhà báo Hoàng Minh Trí
Về sau anh càng theo dõi các cô của mình nhiều hơn và nhận thấy họ có những mất mát lớn của tuổi thanh xuân. Tuy nhiên những cống hiến, sự hy sinh trong thời bao cấp, rồi sự chịu đựng của người phụ nữ rất lớn. Bước qua tuổi 34 thì anh thấy những gì đã cảm nhận trước đó bùng phát ra và đã viết về phụ nữ. Tuy nhiên, khi có con đầu lòng anh viết nhiều hơn về người phụ nữ. Mặc dù mình không phải... đẻ nhưng được tham gia vào những sự kiện rất lớn của vợ mình, về nhà mới thấy thương mẹ nhiều hơn nữa. Trước đó hay tới lúc đi làm không có sự quan tâm đúng mực với mẹ, thế nhưng từ khi có con, mỗi lúc đi làm về là anh ngó tìm mẹ, sau đó vào ôm mẹ một cái và cảm nhận được niềm hạnh phúc của mẹ.
NSND Hoàng Cúc
Trong ký ức của NSND Hoàng Cúc, giai đoạn cuối cùng của thời kỳ bao cấp còn sót lại trong mỗi nóc nhà, mỗi khóe mắt của những người phụ nữ Việt Nam, nhất là các nghệ sĩ biểu diễn kịch lúc bấy giờ rất khó khăn. Mang con hơn 1 tháng đi diễn, diễn xong thì không biết ai bế con mình. Nhưng lúc đó không sợ như bây giờ, vì khi ấy thanh bình lắm. “Chúng tôi diễn vở Tôi và chúng ta năm 1985, để bé ở nhà thì có mấy chục hộp sữa ... thanh sắc của mẹ cho bé. Bà cho rằng sữa bò ấy nóng nên đun thành cháo, gạn ra lấy nước cho cháu uống và cháu bị suy dinh dưỡng...” –NSND Hoàng Cúc chia sẻ.
Nói về mẹ, NSND Hoàng Cúc cho rằng tình mẹ lớn vô cùng, từ cái tình đó nó biến hóa thành cái phúc và cứ như thế đi qua thế hệ này đến thế hệ khác. Tần tảo, chịu thương chịu khó... Mẹ nói với mình “Chỗ thấp mẹ nằm, chỗ khô con ngủ”, cái hy sinh với con cái là vô tận.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng thừa nhận, dẫu bây giờ đã 60 tuổi “nhưng sức ảnh hưởng của mẹ đối với tôi có cảm giác như thời bé. Bởi vì mỗi buổi sáng đi làm, mẹ đều dặn dò giống như ngày nhỏ mình bước ra khỏi cửa để đi học. Và mỗi buổi chiều tối khi đi làm về, bao giờ mẹ cũng ngồi đợi và hỏi công việc có gì buồn vui".
MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn và khách mời tham gia chương trình Cô gái đến từ hôm qua
Chẳng riêng gì những câu chuyện về mẹ, Cô gái đến từ hôm qua còn là những ký ức khó quên về người phụ nữ trong tâm tưởng của nhà thơ Hữu Việt, hay cô giáo dạy văn trường "Am" Đặng Nguyệt Anh. Nhà thơ Hữu Việt chưa thể nào quên cô bạn tên Mai Hương học cùng lớp 1 năm nào. Mai Hương có năng khiếu múa, mỗi khi cô bạn đứng trên bục giảng múa cùng Đạt thì Hữu Việt thấy Mai Hương hiện lên như một cô công chúa. Vì ghen tị với Đạt mà có lần Hữu Việt “làm vỡ đầu bạn” khiến bố mẹ Đạt dắt con sang... bắt đền nhà Mai Hương. Nhà giáo Đặng Nguyệt Anh đem đến câu chuyện ít nhiều khiến những cô gái tuổi teen bây giờ phải sống chậm lại và suy nghĩ. “Tôi nhớ ngày học cao học ở Đại học Sư phạm, hai con tôi đều còn nhỏ, có những môn thi rất dài và các thầy yêu cầu đọc rất nhiều khái niệm. Tôi khi ấy một bên thì con đang bú, một bên thì con nằm sốt, tôi vừa ngồi đọc sách vừa buồn ngủ. Đó là những năm tháng tôi không bao giờ quên, những ngày nỗ lực rất nhiều của tuổi trẻ”.
Hoàng Minh Trí cũng từng bị “sốc” văn hóa. Năm 2000 anh sang học ở Ai Len và bị sốc văn hóa trong 3 tháng đầu tiên bởi vì những quan niệm của người Á Đông về sự bày tỏ tình cảm. Trong lớp, Hoàng Minh Trí thân với 3 bạn nữ, đi ăn hàng ngày và sinh hoạt chung một nhà. “Có lần tôi đi ra quán một mình và gặp một bạn với bạn trai của mình, họ nắm tay và hôn nhau rất tự nhiên. Khi đó tôi nghĩ sao họ có thể dễ dãi như vậy được. Nhưng về sau tôi mới thấy câu chuyện về cởi mở, cách đấu tranh và giải thoát của người phụ nữ, họ có quyền tự đi tìm hạnh phúc của mình. Tôi nghĩ người bạn nữ của mình làm đúng, họ không thể ngồi chờ người anh chàng đến “cưa”, nếu họ có tình cảm với ai thì họ có quyền bày tỏ”.
Nhưng dẫu là vậy, Hoàng Minh Trí vẫn muốn nhắn gửi cho những người phụ nữ của ngày mai, rằng họ hãy cởi mở hơn với đàn ông và có một sự tha thứ, yêu thương đàn ông nhiều hơn. “Bởi vì đàn ông chúng tôi là những người rất dại khờ”...