Theo đó, bệnh nhân là B.T.T.L. (21 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, đi vệ sinh máu đỏ bầm, phân đen, huyết áp tụt, mạch nhanh, da niêm xanh…
Bệnh nhân cho biết: "Sau khi ngủ dậy, tôi cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng kèm theo cảm giác muốn đi vệ sinh. Khi đi vệ sinh phát hiện có máu nên tôi đã nghỉ ngơi tại phòng. Do quá mệt nên tôi đã ngất xỉu tại phòng và được bạn cùng phòng đưa vào viện cấp cứu".
Bác sĩ Vũ Lộc- trưởng ê-kíp phẫu thuật chia sẻ, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức và hội chẩn kịp thời. Thông thường, những trường hợp đi vệ sinh phân đen sẽ được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên. Bệnh nhân đã được chỉ định nội soi dạ dày cấp cứu và chụp CT bụng để xác định, đánh giá vị trí chảy máu.
"Trong quá trình nội soi dạ dày, các bác sĩ không phát hiện vị trí chảy máu ở dạ dày nhưng khi chụp CT cản quang bụng thì phát hiện dị dạng mạch máu gây chảy máu trong lòng ruột. Bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa trong đó có ê-kip can thiệp mạch tạng hỗ trợ. Kiểm tra phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch máu ở ruột non", bác sĩ Vũ Lộc chia sẻ.
TS.BS.CKII Hồ Đức - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, trong quá trình chụp phát hiện máu đang tiếp tục chảy, dị dạng mạch máu to.
Do dị dạng mạch máu to không thể can thiệp trực tiếp nên bệnh viện đã hội chẩn nhanh với ê-kip can thiệp mạch, ê-kip phẫu thuật và lãnh đạo khoa ngoại. Sau hội chẩn, quyết định thả coil (phương pháp nút mạch não bằng vòng xoắn kim loại) vào vị trí chảy máu sau đó chuyển qua cấp cứu ngay lập tức.
Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Thống Nhất cho hay: "Ruột non là đoạn ruột có chiều dài khoảng 4-5m, nhờ việc phối hợp thả coil nên chụp X-Quang C-Arm đã xác định chính xác vị trí chảy máu trong ruột non. Ghi nhận bệnh nhân có 3 điểm xuất huyết ở ruột non. Ê-kip phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột có điểm tắc mạch và nối lại".
Ca mổ kéo dài 1 tiếng, sau phẫu thuật bệnh nhân phục hồi ngoạn mục, chỉ 4-5 tiếng da niêm bệnh nhân đã hồng và có thể ngồi dậy vận động. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được ra viện.
"Đối với xuất huyết tiêu hoá, 50% là xuất huyết tiêu hóa trên, 40% là xuất huyết tiêu hóa dưới, 10% là xuất huyết tiêu hóa ruột non. Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết ruột non, trong đó nguyên nhân do dị dạng mạch máu chủ chiếm 1-2%. Đây được coi là xuất huyết bất thường, cho tới nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây dị dạng mạch máu này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do mất máu", TS.BS.CKII Hồ Đức nói.
Bệnh xuất huyết ruột non thường không gây ra các triệu chứng đặc trưng cảnh báo bệnh. Hầu hết các ca bệnh đi cầu ra máu thì mới phát hiện bệnh. Đối với những trường hợp xuất huyết nhẹ rất khó phát hiện, chỉ khi bệnh nhân tầm soát kiểm tra tìm máu ẩn trong phân thì mới có thể phát hiện được, từ đó tầm soát xuất huyết ruột non thì mới phát hiện được bệnh.
Đa phần những người bị xuất huyết không được phát hiện thường bị thiếu máu trong thời gian dài.
Bác sĩ Đức cho biết, đối với dị dạng mạch máu, tùy theo kích thước của đoạn dị dạng mạch máu, nếu mạch máu to thì xuất huyết nhiều, chỉ trong vòng khoảng 5-6 giờ bệnh nhân có thể ngưng tim, tử vong do hết máu.