Cô đỡ thôn bản cứu sản phụ chảy máu ồ ạt vì tiền sử băng huyết vẫn đẻ tại nhà

01-06-2024 23:17 | Y tế
google news

SKĐS - Sản phụ ở La Pán Tẩn (Yên Bái) 19 tuổi, sinh con lần 3, có tiền sử băng huyết gặp tai biến sản khoa sau sinh, máu chảy ồ ạt đã được cô đỡ thôn bản Hờ Thị Nhứ xử trí thành công bước đầu.

Điểm mới trong Thông tư quy định chức năng nhiệm vụ nhân viên y tế và cô đỡ thôn bảnĐiểm mới trong Thông tư quy định chức năng nhiệm vụ nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản

SKĐS - So với quy định tại Điều 2 Thông tư 07/2013/TT-BYT, đề xuất mới đã giảm một số tiêu chuẩn cho nhân viên y tế thôn và cô đỡ thôn như yêu cầu đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, bản...

Tiền sử băng huyết vẫn đẻ tại nhà

Đúng vào buổi sáng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, cô đỡ thôn bản Hờ Thị Nhứ bản Pú Nhu, La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã đỡ đẻ thành công một bé trai và xử trí bước đầu đúng cách, cứu sống sản phụ Hàng Thị Xe, sinh năm 2005 ở nản Pú Nhu, La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Kể lại ca đỡ đẻ thành công, cô đỡ Hờ Thị Nhứ cho biết, đêm 31/5, sản phụ Hàng Thị Xe gọi điện thoại cho chị và nói cảm thấy hơi tức bụng, khó chịu. Cô đỡ Hờ Thị Nhớ cho rằng đây là các dấu hiệu của chuyển dạ, trùng với ngày dự định sinh, nên khuyên sản phụ đến trạm y tế xã. 

Tuy nhiên, gia đình sản phụ cho rằng, 2 lần sinh trước đó, sản phụ vượt cạn tại nhà vẫn ổn (dù lần đầu sinh bị băng huyết) nên lần này cũng ở nhà, không phải đi đâu cả.

Cô đỡ thôn bản cứu sản phụ chảy máu ồ ạt vì tiền sử băng huyết vẫn đẻ tại nhà- Ảnh 2.

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ đang tiến hành cầm máu cho sản phụ Hàng Thị Xe do bị băng huyết sau sinh.

"Đến 7h sáng hôm sau, sản phụ đau không đi nổi. Tôi đến khám thì thấy tử cung đã mở 7 phân, đầu đứa trẻ đã thập thò. Một lúc sau thì sản phụ đẻ, tôi lau, vệ sinh, cuốn tã cho con xong định quay lại kiểm tra xem nhau thai đã bong chưa. 

Khi đó, sản phụ đang ngồi xổm thì đứng dậy định đi lại. Sau khi đứng, máu sản phụ chảy ồ ạt lênh láng, tôi lập tức kêu người chồng bế sản phụ để nằm xuống. Sau đó tôi lập tức chèn động mạch chủ bụng khoảng 2 phút thì máu ngừng chảy. Bỏ ra được 5 phút, máu lại tiếp tục chảy

Máu chảy nhiều đến nỗi thấm ướt cả chiếc bỉm dành cho bà mẹ sau đẻ, thay bỉm liên tục đến 4 lần. Ở đó 3 tiếng, tôi thấy sức khỏe sản phụ ổn định thì về đi làm đồng. Đến 12h30 tôi quay lại thì thấy sản phụ tỉnh táo nhưng còn mệt, vẫn nằm bất động. Tôi đi luộc cho sản phụ 2 quả trứng ăn, sau đó đến 2h thì về đi làm", cô đỡ Hờ Thị Nhứ kể.

Đến chiều tối 1/6, cô đỡ Hờ Thị Nhứ quay lại nhà sản phụ thì tình trạng sức khỏe của sản phụ tạm ổn định, tuy nhiên sức khỏe vẫn còn yếu, nằm cố định. Sức khỏe của em bé bình thường. 

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ tiếp tục vận động gia đình cho sản phụ nhập viện song gia đình vẫn không đồng ý. 

"Tôi gọi điện cho chị hộ sinh ở xã, trạm trưởng trạm y tế xã cũng thuyết phục gia đình cho sản phụ đi viện, song gia đình nhất định không. Gia đình cho rằng những lần trước sản phụ vẫn đẻ như thế mà không sao thì lần này cũng để như vậy", cô đỡ Hờ Thị Nhứ ngậm ngùi.

Cô đỡ thôn bản cứu sản phụ chảy máu ồ ạt vì tiền sử băng huyết vẫn đẻ tại nhà- Ảnh 3.

Em bé được cô đỡ Hờ Thị Nhứ đỡ đẻ thành công sáng ngày 1/6.

Trong tình huống này, cô đỡ Hờ Thị Nhứ chỉ còn cách thường xuyên đến kiếm tra, hỏi thăm sức khỏe sản phụ, hỗ trợ chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé. Đến tối ngày 1/6, sức khỏe sản phụ đã ổn định trở lại, có thể ngồi dậy  ăn cơm.

Khi được hỏi vì sao lại biết cách cầm máu cho sản phụ, cô đỡ Hờ Thị Nhứ cho biết, trong khóa học để làm cô đỡ thôn bản cũng như các khóa tập huấn, chị được dạy rất kỹ lưỡng về việc xử trí các tình huống khẩn cấp khi sinh nở. Khi gặp đúng trường hợp này trên thực tế, chị áp dụng theo các hướng dẫn đã học và may mắn đã giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch.

Không xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và con

ThS.BS Bùi Thị Phương, chuyên gia của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trường hợp sản phụ đẻ tại nhà do không kịp đến cơ sở y tế, trong cuộc đẻ đã xảy ra sự cố băng huyết. Rất may bằng kiến thức đã học, cô đỡ Hờ Thị Nhứ đã cứu được cặp mẹ con, sau đó cô đã liên hệ với Trạm Y tế xã để hỗ trợ xử trí các bước tiếp theo. 

ThS Bùi Thị Phương cho biết, ra máu nhiều khi chuyển dạ và sinh là một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở thai phụ, nếu không được xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ và con. ThS.BS Phương cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ và chủ động đến cơ sở y tế để sinh đẻ để đảm bảo an toàn trong cuộc đẻ, nếu có vấn đề nguy cơ sẽ được xử trí kịp thời. Nếu không kịp di chuyển đến cơ sở y tế, đẻ tại nhà thì gia đình cần liên hệ ngay người đã được đào tạo về đỡ đẻ như cán bộ y tế, cô đỡ thôn, bản.

Các dấu hiệu nguy hiểm trong khi chuyển dạ và trong khi sinh các bà mẹ cần nắm được là đau quá 8 giờ mà chưa đẻ; Đau quá mức chịu đựng của bà mẹ; Khi đẻ đầu thai nhi không ra trước mà tay hoặc chân lại ra trước; Dây rau (dây rốn) ra mà thai nhi chưa ra; Ra máu trên 50 ml (khoảng 1 ly trà); Nước ối màu xanh, nâu bẩn hoặc vàng; Sau khi sinh 30 phút mà rau thai chưa ra; Khi rau thai chưa ra mà chảy máu nhiều; Đau đầu, mắt mờ hoặc ngất xỉu; Sốt.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tập quán không đi khám thai, đẻ tại nhà không được cán bộ y tế đỡ là nguyên nhân chính của tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh cao ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở những vùng xa xôi hẻo lánh, dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào người dân tộc, phong tục, tập quán sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ là những yếu tố rất quan trọng cản trở đồng bào dân tộc đến sinh con tại cơ sở y tế.

Nhân lực y tế, trong đó đặc biệt là nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi luôn thiếu trầm trọng, hơn nữa, cán bộ y tế xã rất khó có thể thực hiện được những dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng núi cao và xa xôi hẻo lánh do điều kiện đi lại khó khăn, thiếu kinh phí và trang thiết bị. 

Bên cạnh đó, sự khác biệt về các yếu tố văn hoá như ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến việc mang thai, sinh con là những yếu tố rất quan trọng làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở các vùng núi cao, trên thực tế, cán bộ y tế là dân tộc Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận tới đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc thù (như H'mông, Giẻ triêng, Raglai...).

Cách nào giữ chân cô đỡ thôn bản?Cách nào giữ chân cô đỡ thôn bản?

SKĐS - Cô đỡ thôn, bản là đội ngũ rất quan trọng, là những cánh tay nối dài của ngành Y tế đi đến tận thôn, bản, hộ gia đình để hỗ trợ chị em phụ nữ trong quá trình thai sản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng...


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn