Phát huy vai trò "cô đỡ thôn bản" trong chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn

10-10-2023 13:28 | Y tế

Tại một số thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn tồn tại tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng và sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, với 265,165 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn; dân số trên 480.000 người với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Mạnh lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, mô hình cô đỡ thôn bản đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS).

Toàn tỉnh có 174 cô đỡ thôn bản được đào tạo từ 3-6 tháng trở lên đang thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại các bản khó khăn (từ 9/2020 chức danh cô đỡ thôn bản không còn), hiện nay còn 855 nhân viên y tế/915 thôn bản, đạt 93,44%. Năm 2022, toàn tỉnh có 5.625 lượt phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản khám thai, vận động 957 bà mẹ đến sinh con tại cơ sở y tế; có 266 bà mẹ sinh con tại nhà do cô đỡ thôn bản đỡ, 259 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản phát hiện dấu hiệu bất thường và tư vấn chuyển tuyến, 1.044 bà mẹ được cô đỡ thôn bản chăm sóc sau sinh.

Phát huy vai trò "cô đỡ thôn bản" trong chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn- Ảnh 1.

"Cô đỡ thôn bản" tại các xã, bản đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Trong những năm qua, "Cô đỡ thôn bản" tại các xã, bản đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Họ đã và đang nỗ lực hết mình trong công việc, được ví như cánh tay nối dài của Chính phủ, ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản đã giúp ngành y tế truyền thông về 3 chủ đề cần thiết gồm: chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trong và sau sinh, chăm sóc trẻ bị ốm. Từ đó nâng cao chất lượng, sự tiếp cận của cộng đồng với kiến thức làm mẹ an toàn tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, cô đỡ thôn bản còn tham gia hỗ trợ trạm Y tế trong các hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhưng hiện nay chỉ có 6 cô đỡ thôn bản là đang duy trì hoạt động.

Nhìn từ thực tế, công việc của cô đỡ thôn bản thực hiện tại địa phương có tác động lớn đối với cộng đồng, đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khoẻ của người dân, góp phần làm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại cộng đồng. Họ đóng vai trò như cầu nối giữa cộng đồng và cơ sở y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Y tế Lai Châu.Tỷ lệ phụ nữ đến khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế ngày càng tăng, tỷ lệ sản phụ mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh giảm đáng kể.

Nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản phải có trình độ chuyên môn nhất định

Đề án "Đào tạo Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số" được hình thành năm 1992 với mong muốn các cô đỡ thôn bản bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân tộc mình, bằng hiểu biết sau khi được đào tạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các cô sẽ góp phần giảm được tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh tại các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

Mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh, cô đỡ thôn bản được đào tạo và hoạt động tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, duy trì và phát triển mạng lưới này. Đặc biệt là trên thực tế dù tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em, trẻ sơ sinh đã giảm nhưng vẫn còn cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay Bộ Y tế đã có dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản. Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn của nhân viên y tế thôn, bản về trình độ chuyên môn, đào tạo, nhân viên y tế thôn, bản cần hoàn thành (có chứng chỉ hoặc chứng nhận) chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế quy định; tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản; có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Phát huy vai trò "cô đỡ thôn bản" trong chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn- Ảnh 2.

Công việc của cô đỡ thôn bản thực hiện tại địa phương có tác động lớn đối với cộng đồng. (Ảnh minh hoạ)

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế xây dựng dự thảo và trình Bộ Y tế Thông tư Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản". Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản.

Theo dự thảo Thông tư, nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản phải có trình độ chuyên môn nhất định như phải hoàn thành (được cấp chứng chỉ) chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 6 của Thông tư này; Hoặc có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên; Tự nguyện tham gia làm Nhân viên y tế thôn, bản hoặc Cô đỡ thôn, bản; Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Chức năng đối với Nhân viên y tế thôn, bản là hỗ trợ Trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản. Đối với Cô đỡ thôn, bản là hỗ trợ Trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, năm 2022, có 93,2% thôn, bản có cán bộ y tế, 88,68% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trong tương lai, tỉnh đang phấn đấu mỗi thôn, bản đều có cán bộ y tế để thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bằng nhiều hình thức, tỉnh Lai Châu và ngành Y tế đã có những quan tâm duy trì mô hình cô đỡ thôn bản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho bà con vùng DTTS.



PV
Ý kiến của bạn