Cô đỡ thôn, bản là nhân lực được đánh giá cao trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, phụ cấp cho cô đỡ thôn, bản hiện còn rất thấp hoặc không có, khiến nhiều người bỏ nghề đi kiếm việc khác. Những người trụ lại phần lớn đều làm vì "tình yêu nghề".
Tại Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản do Bộ Y tế tổ chức, cô đỡ thôn, bản Lò Thị Luấn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, giao thông ở miền núi rất khó khăn, bản xa nhất cách trạm y tế xã 18km, phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ, nhưng từ năm 2020 đến nay, phụ cấp cho y tế thôn, bản bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, xăng xe không có, nên ảnh hưởng nhiều đến triển khai công việc hàng ngày. Trước đó, chính sách cô đỡ thôn, bản hoạt động từ 2013-2019, nhưng cô đỡ thôn, bản cũng chỉ nhận được phụ cấp 550.000 đồng/tháng từ việc kiêm nhiệm này.
Chị Lò Thị Đường (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, không ít lần chị phải rất vất vả mới thuyết phục được sản phụ có nguy cơ cao đến cơ sở y tế để thăm khám và sinh nở. Có đêm đang ngủ thì có điện thoại nhờ hỗ trợ sản phụ đẻ. Đường trơn, trời mưa, chị phải nhờ chồng chở đi. Chồng chị bảo, mỗi tháng phụ cấp có 447.000 đồng mà đi đêm đường rừng, vắng, nguy hiểm đến tính mạng, nhỡ ngã xe giữa đêm thì sao? Đi làm thuê 1 ngày được 200.000 đồng, 2 ngày là đủ tiền lương cả tháng rồi? Nhưng chị vẫn "xắn tay áo" để giúp đỡ bà con dân bản.
Còn cô đỡ Vàng Thị Thiêm (dân tộc Nùng, thôn Nàn Lũng, Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang) cho biết, suốt 12 năm qua, chị gắn mình với công việc cô đỡ. Đảm trách quản lý 3 thôn xa lắc tại huyện Xín Mần, có những hôm chị phải cuốc bộ cả chục cây số đến nhà thai phụ thăm khám, tư vấn. Mất cả ngày đi đường, khi quay về tới nhà trời tối mịt, nhưng phụ cấp chưa đến 700.000 đồng/tháng, nhiều lúc chồng chị Thiêm khuyên chị bỏ nghề. "Tôi làm vì tình yêu nghề thôi, chứ phụ cấp không đủ sống. Công việc lại phải đi đêm tối, vất vả. Hôm trước mượn xe máy của chồng đi đến nhà sản phụ, trên đường bị ngã hỏng xe mà chưa có tiền sửa", chị Thiêm kể.
Trong 12 năm qua, chị Thiêm không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca, nhưng ấn tượng nhất với chị là những ca đẻ rơi dọc đường. "Nhận được tin báo có ca vỡ ối chuẩn bị sinh dọc đường, tôi mang đồ nghề tức tốc tới ngay. Đứa bé sau khi sinh không khóc được, tím tái, người nhà sản phụ nói: "đứa trẻ chết rồi, đừng làm gì nữa", nhưng tôi vẫn cố gắng vận dụng hết những kiến thức và kinh nghiệm, hút mũi đờm, xoa bóp, ấn ngực. 15 phút sau trẻ mới hồng hào dần và cất tiếng khóc. Đến giờ thằng bé cũng gần 10 tuổi rồi, mỗi lần gặp, mẹ bé lại nhắc: "Nếu không nhờ cô, thằng bé chết rồi!".
Theo báo cáo của các địa phương, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, tại 18 tỉnh miền núi khó khăn có tới 4.346 thôn bản cần có cô đỡ, vì cô đỡ thôn, bản có sự đáp ứng tại chỗ ngay lập tức, liên tục và miễn phí đối với các bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn.
Trong khi đó, hiện cả nước chỉ có 1.549 cô đỡ đang hoạt động, đạt tỉ lệ bao phủ 30,31%. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi khó khăn, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn bản có tỉ lệ tự sinh tại nhà vẫn rất cao (trên 60%).
Trong thời gian tới, ngành Y tế các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ này yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực của mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế đã trình cơ ché thảo gỡ nhằm bảo đàm nguồn cung thuốc hiếm | SKĐS