Đồng bào người Rục (thuộc dân tộc Chứt) được biết đến là một trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới. Năm 1959, khi tộc người này còn sống trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện.
Sau thời gian dài thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên rời hang đá về thung lũng Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vùng núi giáp ranh biên giới Việt – Lào) dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô...
Xóa nạn dân bản say rượu suốt đêm ngày
Đóng quân trong những bản làng của người Rục, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng gắn bó mật thiết với dân bản. Với sự tuyên truyền, hỗ trợ của người lính, chính quyền, đồng bào nơi đây dần có ý thức triển khai các mô hình kinh tế như: trồng lúa nước, ngô, chăn nuôi trâu, bò… thoát nghèo. Tình trạng tảo hôn giảm rõ rệt, hôn nhân cận huyết thống cơ bản được đẩy lùi.
"Cán bộ biên phòng giúp đỡ bà con nhiều lắm. Nhờ bộ đội, dân bản có ruộng lúa nước, biết trồng sắn ngô, chăn nuôi trâu, bò để thoát nghèo. Đồn biên phòng còn cử cán bộ về tận bản, cùng ở, cùng làm, hỗ trợ cho bà con tận tình", chị Cao Thị Vai (SN 1974), trú bản Mò O Ồ Ồ , xã Thượng Hóa vui mừng chia sẻ.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao, nhưng một số người nhận thức còn nhiều hạn chế, có tư tưởng ỉ lại, chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước, thường xuyên uống rượu, không chịu lao động, không quan tâm đến việc học hành của con em...
Nhận thấy việc dân bản tụ tập uống rượu thường xuyên với lượng rượu lớn gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe, an ninh trật tự và phát triển đời sống. Do vậy, Đồn Biên phòng Cà Xèng chú trọng thực hiện công tác vận động bà con đẩy lùi rượu bia.
Là cán bộ biên phòng được cử về "cắm" bản, trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, Thiếu tá Đinh Lâm Viên, Đồn Biên phòng Cà Xèng thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng bản, gõ cửa từng nhà, khéo léo vận động để xóa bỏ tình trạng tụ tập uống rượu cả ngày.
"Muốn thay đổi cuộc sống bà con người Rục thì điều cốt lõi phải thay đổi từ tư duy, nhận thức của họ. Trong công tác vận động, phải vừa nhu vừa cương, làm sao để bà con hiểu được cái hay, cái tốt, bỏ dần cái xấu. Khi làm, chúng tôi phải cùng làm, cầm tay chỉ việc, đồng hành với bà con thì họ mới tin tưởng và nghe theo", Thiếu tá Viên chia sẻ.
Người được Thiếu tá Viên cho là điển hình trong sự thay đổi ở bản Mò O Ồ Ồ là ông Ông Cao Xuân Vinh (60 tuổi). Ông từng là người thường xuyên uống rượu đến mức say xỉn, không chịu đi làm, sức khỏe đi xuống. Từ khi nhận thức được tác hại, ông Vinh bỏ rượu, tu chí làm ăn, sống hòa đồng cùng dân bản.
"Khi cán bộ biên phòng khuyên răn, phân tích, tôi không uống rượu nữa. Hằng ngày phải tập trung làm ruộng, nuôi con bò, con dê để thoát nghèo, lo cho con cái học hành tốt hơn", ông Vinh cho biết.
Để đẩy lùi hẳn nạn uống rượu, hiện nay Thiếu tá Viên và Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ cùng với già làng, trưởng bản đang triển khai hương ước nói không với uống rượu ban ngày và được bà con hết sức đồng tình, hưởng ứng. Nhờ sự quyết liệt trong công tác vận động, hình ảnh dân bản tụ tập uống rượu, say xỉn ngày đêm ở bản Mò O Ồ Ồ gần như hiếm thấy. Thay vào đó là không khí rộn ràng, hăng say lao động trên ruộng lúa, nương ngô.
Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, hiện đồn có 2 cán bộ được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, 4 người là cán bộ tại các thôn bản. Ở mỗi địa bàn, các cán bộ biên phòng sẽ có nhiều cách làm khác nhau để hỗ trợ nhân dân. Bên cạnh chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ cũng vận động bà con đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục.
Mong dân bản ngày càng ấm no
Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình đưa lúa nước về với đồng bào Rục do lực lượng biên phòng triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Từ những mảnh ruộng nhỏ ban đầu, đến nay bà con người Rục đang sở hữu 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô.
Bộ đội biên phòng xắn tay làm và hướng dẫn việc canh tác cho dân bản.
Thời điểm nông nhàn, những người khỏe mạnh cũng đã tìm các việc làm thêm khác nhau như đi khai thác, bốc gỗ keo tràm, làm phụ hồ tại các công trình trong xã… để có thêm thu nhập. Chính nhờ những nguồn thu đó, một số gia đình đồng bào Rục trên địa bàn đã mua sắm được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống.
"Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bà con người Rục còn tự hào khi có con em vào đại học, cao đẳng, có người đi bộ đội bảo vệ đất nước. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc học hành, phải để các cháu nhỏ đến trường, học tập nhiều kiến thức, sau này trở về xây dựng bản làng tốt đẹp hơn", ông Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ phấn khởi nói.
Một trong những trường hợp tiêu biểu của đồng bào Rục chính là em Cao Thị Lệ Hằng, nữ sinh đầu tiên của cộng đồng dân tộc thiểu số ở xã Thượng Hóa thi đậu đại học. Bên cạnh đó còn có nam sinh đang theo học Trường Trung cấp Biên phòng, các em đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đỡ đầu từ khi còn bé.
Trung tá Hoàng Công Hùng cho biết thêm, bên cạnh nâng cao chất lượng ruộng lúa nước, đơn vị và bà con được một doanh nghiệp đầu tư trồng thí điểm 3ha cây gai xanh lấy sợi. Doanh nghiệp này hỗ trợ phân, cây giống, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ biên phòng và người dân, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh việc phát triển kinh tế đối với đồng bào Rục nếu thành công.
"Người dân phấn khởi lắm khi được giới thiệu về việc trồng cây gai xanh có thể xóa được nghèo, làm giàu. Đơn vị tập trung hướng dẫn bà con thực hiện thành công dự án để mở ra hướng đi mới, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo", Trung tá Hùng cho hay.
Qua sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng, cuộc sống của đồng bào Rục ngày càng khởi sắc từng ngày. Dân bản thay đổi từ suy nghĩ đến hành động để giúp bản làng ngày càng khang trang. Những người lính biên phòng lại có thêm những người "đồng đội" thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.