Trong chuyến công tác ở miền viễn biên tỉnh Quảng Bình, chúng tôi có dịp thăm Trạm y tế Quân – Dân y kết hợp thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá.
Dân Hóa là xã vùng biên, có diện tích rộng, địa hình cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số sống thưa thớt, cho nên công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhưng từ khi có Trạm Quân – Dân y kết hợp đóng trên địa bàn, người dân được quan tâm khám chữa bệnh, nhiều cách thức chữa bệnh phản khoa học đã được bỏ, người dân tin tưởng vào thuốc của quân y.
Chị Hồ Thị Nhím, trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa cho biết từ khi có Trạm Quân – Dân y kết hợp về tại bản, người dân ai ốm đau đều tìm tới trạm, không còn cúng để đuổi "ma rừng" như trước.
"Giờ không cúng nữa, có bệnh là tìm bác sĩ bộ đội thôi. Bộ đội ở đây giỏi lắm, cứ có bệnh cho thuốc uống cái là khỏi. Ai bệnh là dân bản lại đưa đến nhờ bộ đội khám cho, ai mà yếu quá là nhờ bộ đội đến nhà khám", chị Nhím nói.
Thiếu tá Phan Anh Tuấn, quân y sĩ tại trạm cho biết, trước đây bà con đau ốm phải tìm đến những phương thức chữa trị truyền miệng, trong đó có một số phương pháp phản khoa học, không thể chữa trị được bệnh khiến tình trạng sức khỏe của người bệnh xấu đi.
Nhưng từ khi có Trạm Y tế Quân – Dân y kết hợp, người dân có bệnh sẽ tìm đến khám tại trạm. Người ở gần thấy có hiệu quả sẽ truyền tai nhau đến bản sâu, bản xa hơn. Khám chữa bệnh cho bà con ngày càng hiệu quả, nên các quân y sĩ dần được đồng bào tin tưởng.
Quân y sĩ Phan Anh Tuấn cho biết, trạm y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị cơ bản và thuốc để phục vụ khám, chữa các loại bệnh thông thường và sơ cứu ban đầu cho bà con. Chỉ những trường hợp người bệnh nặng cần điều trị lâu dài thì mới chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Khi được hỏi về vườn thuốc nam xanh mướt, quân y sĩ Anh Tuấn cho hay, để tận dụng nguồn dược liệu quý của rừng Trường Sơn, nâng cao chất lượng điều trị bệnh và giảm chi phí hoạt động của trạm, các anh đã tự tay trồng và chăm sóc những loại dược liệu để chữa trị một số loại bệnh hoặc là thuốc bổ cho bà con.
Sau một hồi trò chuyện, quân y sĩ Tuấn vào bản Ka-ai để thăm khám cho một số người dân bị ốm và tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngỏ ý được đi cùng, anh Tuấn đồng ý.
Trên đường vào bản, anh Tuấn kể cho chúng tôi về những kỷ niệm trong những ngày công tác và sinh sống cùng bà con nơi đây. Theo anh Tuấn, địa hình khu vực phức tạp, việc di chuyển khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các bản hầu hết bị chia cắt, nước tại các con suối chảy xiết.
Nhiều bà con bị ốm, bị thương, đổ bệnh, các anh lại cùng đồng nghiệp tại trạm vượt suối băng đeo vào bản, có những đêm mưa gió họ cũng quyết dùng đèn vào bản khám chữa cho người dân. Những ngày mưa lũ đã đành, cả những ngày "trời quang mây tạnh", còn rất nhiều hiểm nguy đang trực chờ, như nỗi lo gặp rắn rết hay các loại động thực vật rừng có hại.
"Nhớ nhất là lần mưa lớn, 22h đêm rồi nghe tin trong bản Ka-ai có người bị viêm ruột thừa, phải nhanh chóng sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu. Anh em mặc áo phao rồi tìm đoạn suối cạn nhất vào bản để đưa người ra, may mắn người bệnh được cứu chữa kịp thời", quân y sĩ Tuấn cho biết.
Vào đến bản, mọi người ai nấy đều háo hức chào hỏi vị y sĩ khoác màu áo lính bởi bao lần ốm đau họ đều được những y sĩ tại trạm tới giúp đỡ.
Ghé thăm cụ Hồ Luật đã hơn 70 tuổi, bệnh tật lúc xế chiều luôn đày đọa cụ, nhưng cụ sống một mình nên anh Tuấn và đồng nghiệp phải thường xuyên thăm khám và "viện trợ" thức ăn cho cụ.
"Bác sĩ bộ đội tốt lắm, các chú ấy biết tôi đau không đi được là đến khám rồi cho thuốc uống tôi đỡ đau. Nhà nghèo không có chi, sống một mình nên các chú thương cho cá, cho tiền mua gạo nữa", cụ Hồ Luật cho biết.
Sự kết hợp quân - dân y đã đem lại những thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ quốc phòng an ninh của vùng viễn biên Quảng Bình. Với những đóng góp của mình, những y sĩ mang quân hàm xanh luôn nhận được sự tin yêu từ đồng bào.
Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến
Hùng Trần