Những "quản gia phục vụ" F0
Những ngày đầu tháng 9, tại khu vực điều trị bệnh nhân nặng và nguy cơ Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 của BV Trung ương Huế (nằm trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến số 14, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), hàng chục bệnh nhân COVID-19 đang được bác sĩ theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn, những chiếc máy đo chỉ số của bệnh nhân đặt ngay đầu giường người bệnh liên tục phát ra âm thanh "tít tít tít…".
Ông T.V.L (62 tuổi, ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã trải qua 15 ngày điều trị tích cực. Do hồi phục rất tốt nên chỉ chưa đầy 10 ngày điều trị ở khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, ông L. được chuyển đến vùng thoát hồi sức để tiếp tục theo dõi.
Những bệnh nhân thoát hồi sức như ông L. có thể tự lo "miếng ăn, miếng uống" cho mình mà chẳng cần đến đôi bàn tay của cán bộ y tế.
Đánh dấu ngày thứ 15 vào viện, bữa trưa của ông Lợi là một phần cơm với sườn om khoai tây, canh và một hộp sữa tươi. Những suất cơm nóng hổi mà ông L. trực chờ nhận ngay đầu giường chẳng phải được đưa đến từ đôi bàn tay quen thuộc của cán bộ y tế, mà từ "quản gia phục vụ" robot.
Ông L. bảo: "Chúng tôi gọi chú robot đó là "quản gia phục vụ", là "người đưa cơm", là người đàn ông đến gần F0 mà chẳng cần màng đến COVID. Cơm đưa đến lúc nào cũng nóng hổi, còn "người đàn ông" này thì đi hết đầu giường này tới đuôi giường nọ, đưa cơm cho từng người bệnh".
"Tôi khỏe nhanh thiệt, giờ đi lại ổn lắm rồi, mỗi tội thỉnh thoảng thở hơi rít tí thôi nhưng tôi không cần đến cán bộ y tế chăm sóc nữa. Mọi thứ tôi tự lo được cho mình hết. Bác sĩ cứ dành sức lực, thời gian để lo cho bệnh nhân nặng, người nhẹ chúng tôi thì miếng cơm, gói thuốc để robot đưa đến là xong", ông L. vui vẻ đáp.
Thấy robot đang di chuyển từ đằng ra, bà H.T.N (SN1968, ở Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú) cũng không màng đến cảnh vật xung quanh mà dõi theo robot tiến về phía mình. Trên robot là 4 suất cơm nóng hổi. Hôm nay, bà N. cũng dùng cơm với sườn hầm khoai tây và một hộp sữa.
Bà N. nhập viện từ ngày 27/8, bà cũng trải qua một khoảng thời gian giành giật với COVID-19 từng hơi thở, đến nay, trải qua hơn 10 ngày điều trị, bà đã bình phục hoàn toàn.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống trong vài giây ngắn ngủi, đôi mắt bà N. long lanh, bà nhảy cẫng lên và bảo: "Khỏe quá rồi, vui quá cô ơi…".
Robot là "cánh tay nối dài" của cán bộ y tế
Th.S Huỳnh Phúc Minh - Trưởng đơn vị quản lý dịch vụ buồng bệnh Bệnh viện Trung ương Huế chính là người đã chế tạo ra những chiếc robot vận chuyển thức ăn, thuốc men đến các phòng bệnh ở bên trong khu cách ly.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Th.S Huỳnh Phúc Minh cho biết, trong đợt tăng cường TP Hồ Chí Minh chống dịch này, BV Trung ương Huế đã vận chuyển 3 robot từ Huế vào TP Hồ Chí Minh. Trong những ngày y, bác sĩ làm việc gấp 2 – 3 công suất, thì robot chính là "cánh tay nối dài" của bệnh viện.
Theo đó, robot được chế tạo từ từ 2 bộ phận chính, là xe ôtô đồ chơi của trẻ em có lắp chip điều khiển và thùng chứa 4 ngăn nhỏ gọn để chứa thuốc men, đồ ăn, nước uống. Robot được điều khiển từ xa qua bộ điều khiển qua máy tính bảng có màn hình camera kết nối internet. Để "đánh thức" từng người bệnh, khi đến khu vực cần "giao đồ", robot sẽ tự động phát ra âm thanh quen thuộc: "Tâm an phục vụ bạn ở đây, xin vui lòng mở của".
Theo Th.S Huỳnh Phúc Minh, khi đi đến các giường bệnh, từ camera kết nối, người điều khiển có thể theo dõi được hành trình di chuyển của robot, thậm chí là theo dõi bệnh nhân, người bị cách ly. Từ khi robot được đưa vào sử dụng trong khu vực buồng bệnh, đã giảm được rất nhiều về áp lực của y bác sĩ cũng như nguy cơ lây nhiễm.
"Trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 hạn chế, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thêm những robot có nhiều cải tiến về cả mẫu mã lẫn chức năng nhằm đáp ứng việc phục vụ người bệnh COVID-19", Th.S Huỳnh Phúc Minh cho hay.