Hành trình “trở về”
Khu điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh được chia làm 3 khu vực điều trị. Trên tấm bảng hướng dẫn mặt bằng của Trung tâm, các khu điều trị tương ứng với các màu đặc biệt. Khu A - màu đỏ thẫm là nơi điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch; khu B với màu đỏ nhạt là nơi điều trị cho bệnh nhân nặng; khu C, D được đánh dấu màu vàng và màu vàng nhạt tương ứng với khu điều trị, theo dõi bệnh nhân thoát hồi sức, bệnh nhân chuẩn bị ra viện.
Cụ ông Võ Ngọc Ứng (ở địa chỉ A19/11, Tôn Thất Thuyết, phường 18, quận 4, TP Hồ Chí Minh) vừa thoát hồi sức, được chuyển từ khu điều trị màu đỏ sang khu vực màu vàng để tiếp tục theo dõi.
Trải qua những ngày sự sống mong manh ở ngưỡng tuổi 77, ông Ứng mới thấy sinh mệnh con người vô giá tới nhường nào, nhất là khi phải gồng mình, giành giật với COVID-19 từng hơi thở.
Dù đã trải qua những thời khắc khắc nghiệt, ông Võ Ngọc Ứng vẫn vẹn nguyên cảm giác run rẩy khi nhận kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Đó là ngày định mệnh 17/8: “Tôi chẳng biết mình bị lây nhiễm ở đâu. Đến giờ tôi vẫn chịu không biết được", ông Ứng bày tỏ.
Tuy nhiên, cũng giống như bao người khác, khi nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2 là cảm giác lo âu và thậm chí là run sợ. Bởi ở ngưỡng tuổi xế chiều - cái tuổi như người ta nói vui là không biết về với đất mẹ ngày nào, thì hy vọng vượt qua được dịch bệnh chỉ le lói đâu đó trong nỗi đau tinh thần của ông. Nhất là khi người vợ đầu ấp tay gối cùng hai vợ chồng cô con gái út và cháu ngoại lần lượt theo ông vào Trung tâm Hồi sức tích cực – nơi chuyên điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Ông Ứng kể: “Tôi vào rồi cả nhà 5 người của tôi cũng nhập viện theo luôn, họ tiếp xúc gần với tôi mà. Còn 3 đứa con gái ở nhà may mắn không bị dương tính thì cũng đứng ngồi không yên. Tôi vào đây theo dạng chuyển từ tuyến dưới lên, thuộc thể nặng rồi, có đeo máy móc, có khó thở, có sợ, hỏi ai chẳng sợ, ai chẳng run”.
Qua 12 ngày điều trị tích cực, ông Ứng được chuyển từ vùng điều trị đỏ sang vàng. Chuyển sang đây sau khi chứng kiến nhiều câu chuyện hồi sinh, ông Ứng nhẩm tính một cách đầy lạc quan khoảnh khắc được thông báo xuất viện, trở về với gia đình, với những đứa cháu ngoại đang hàng ngày nhắc đến tên ông.
“Ngon lành lắm rồi”
Đó là câu nói cửa miệng của anh Nguyễn Anh Thế (quận 2, TP HCM) khi các y, bác sĩ đi ngang qua giường bệnh. Anh Thế cũng vừa được chuyển từ vùng đỏ sang vùng vàng để tiếp tục điều trị sau khi thoát khỏi hồi sức.
Những ngày đầu được chuyển sang nơi điều trị thoát hồi sức, anh Thế luôn trong tâm thế “mồm huýt sáo vang”. Thỉnh thoảng, những bệnh nhân nằm giường bên cạnh lại nghe được âm thanh của một bài hát quen thuộc nào đó chẳng rõ lời, phát ra từ sau chiếc khẩu trang trên khuôn mặt anh.
Anh Thế trải lòng: “Tôi nhập viện ngày 25/8, lúc đầu đi vào viện tôi phải dặn cả người nhà giấu 2 đứa con. Tôi bị rất nặng, khi nhập viện tôi được chuyển vào khu vực điều trị bệnh nhân nguy kịch. Những ngày đầu mới vào, nếu không có bác sĩ và điều dưỡng quan tâm, chăm sóc và làm công tác tư tưởng, tôi cũng không biết bản thân mình sẽ ra sao… Giờ đây tôi thấy mình thật may mắn, mới dám nói thật với các con về bệnh tình của mình”.
Nơi điều trị bệnh nhân thoát hồi sức chỉ cách vùng đỏ một bức tường mỏng, âm thanh của máy móc vẫn vang lên rành rọt. Thứ âm thanh từ ranh giới “sinh - tử”, âm thanh của sự bất lực từ bản thân, âm thanh của sự trao gửi sự sống… Mỗi lần ngoảnh đầu về hướng phía bên kia bức tường, ông bố hai con lại thấy mình thật sự may mắn.
Ngồi trên giường bệnh, anh Thế chỉ vào chiếc vali màu nâu sẫm bên cạnh mà bảo rằng: “Hành lý sẵn rồi, chỉ chờ thông báo là tôi về thôi”. Cùng lúc, các y, bác sĩ đi ngang qua, anh vừa vẫy tay, vừa với giọng: “Các anh chị phải giữ sức khỏe nghen! Các anh chị khỏe để còn chữa trị cho bệnh nhân nữa đó…”.
Được hồi sinh, có lẽ không chỉ ông Ứng, anh Thế, mà hàng trăm bệnh nhân đang được theo dõi ở vùng vàng đều mong muốn các y bác sĩ khỏe mạnh, nhưng hơn hết, những người còn khỏe mạnh phải phải biết giữ sức khỏe, phải biết quý trọng sinh mệnh của mình.
Khối lượng công việc và áp lực điều trị của các y, bác sĩ nơi đây rất lớn, họ phải làm việc gấp 2-3 lần so với bình thường... Chỉ có những người bệnh như anh Thế được nghĩ đến con mà ráng thở để chiến thắng bệnh trở về, còn các y, bác sĩ ở đây, dù nhớ con đến thắt lòng, họ cũng đành phải gác lại tất cả để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng - cứu sống người bệnh và được chứng kiến thêm nhiều bệnh nhân ra viện chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của người thầy thuốc lúc này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.