1. Các phương pháp hút mỡ bụng hiện nay
ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, hiện nay các phương pháp hút mỡ bụng khá đa dạng và liên tục được cải tiến, có thể kể đến như:
- Hút mỡ cơ học: Đây là phương pháp hút mỡ truyền thống, dùng ống hút để hút mỡ dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Hút mỡ bằng năng lượng siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để phá hủy cấu trúc tế bào mỡ, giúp chất béo dễ dàng thoát ra khỏi màng tế bào.
- Hút mỡ sử dụng laser: Sử dụng tia laser để tạo ra một luồng năng lượng để hóa lỏng mỡ. Tuy nhiên, phương pháp này ít sử dụng ở Việt Nam do tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.
- Hút mỡ bằng cách tạo rung lắc cơ học: Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị đánh tan mỡ bụng hoạt động bằng cách di chuyển qua lại, xoay lắc và rung với tốc độ khoảng 3.500 - 4.500 chu kỳ/phút để làm hóa lỏng mỡ và hút ra ngoài.
- Sử dụng bằng áp lực tia nước: Với phương pháp này, các tế bào mô mỡ sẽ được loại bỏ thông qua tia nước hình quạt. Áp lực phù hợp với cấu trúc của mô liên kết sẽ tấn công trực tiếp các tế bào mô mỡ, từ đó tạo ra sức mạnh nhằm bóc tách và hút mỡ.
Dù mỗi phương pháp hút mỡ đều có những ưu nhược điểm riêng, nhưng có thể khẳng định rằng, hút mỡ là một thủ thuật tương đối phức tạp, cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả về mặt thẩm mỹ.
2. Trước khi hút mỡ, cần chuẩn bị sức khỏe như thế nào?
Theo ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, không phải ai cũng nên thực hiện hút mỡ bụng. Trước khi tiến hành làm thủ thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám toàn diện và đánh giá sức khỏe tổng thể. Những người đang trong quá trình điều trị một tình trạng cấp tính như sốt, sưng viêm, đau... sẽ được khuyến cáo không nên cap thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, lupus ban đỏ, viêm khớp, suy giảm miễn dịch... cũng cần tránh thực hiện thủ thuật này.
Đặc biệt, ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh nhấn mạnh, hút mỡ bụng không phải là phương pháp giảm cân hay giảm béo. Đối với người béo phì độ 2, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 30 kg/m2, việc thực hiện hút mỡ bụng sẽ không đem lại hiệu quả, thậm chí có thể tiềm ẩn các nguy cơ biến chứng.
Phương pháp này chỉ nên thực hiện ở người khỏe mạnh, có thể trạng tốt, chỉ số khối cơ thể dưới 25kg/m2. Trước khi hút mỡ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, miễn dịch, chụp X-quang tim, phổi, siêu âm vùng bụng... để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra an toàn.
3. Thời gian phục hồi sau khi hút mỡ là bao lâu?
Thời gian phục hồi sau khi hút mỡ bụng còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người và thể tích mỡ hút ra khỏi cơ thể. Đối với hút mỡ quanh bụng, sau 3-4 tuần thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ vẫn còn cảm giác bì, hơi cứng dưới da. Sau đó, vùng điều trị sẽ mềm dần, màu da cũng trở về bình thường. Thông thường, có thể mất đến vài tháng để hồi phục hoàn toàn sau khi hút mỡ bụng, ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh cho hay.
Sau khi hút mỡ bụng, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc, sử dụng một số loại thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời.
4. Hút mỡ bụng có mang lại hiệu quả vĩnh viễn không?
Hút mỡ bụng có thể mang lại hiệu quả vĩnh viễn. Tuy nhiên, bạn có thể tăng cân và tích mỡ trở lại nếu không có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, cần xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động thể dục thể thao.
Nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ ngọt không tốt cho sức khỏe.
Về phương pháp tập luyện, nên duy trì ít nhất 150 phút tập thể dục mỗi tuần ở cường độ vừa phải, tương đương 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Bạn có thể lựa chọn các hình thức tập luyện đa dạng và phù hợp, như đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội, tập aerobic, khiêu vũ...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Giảm béo cấp tốc: nên tiêm giảm béo hay hút mỡ?