Chuyên gia dịch tễ trả lời trực tuyến về dịch bệnh mùa hè

23-05-2014 09:03 | Thời sự

SKĐS - PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức.

Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của độc giả, hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các câu hỏi của độc giả, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của các bạn tới các chuyên gia về y tế để giải đáp các thắc mắc của các bạn về các dịch bệnh mùa hè và chuyển tới độc giả trong thời gian sớm nhất.

Thời gian giao lưu: 9h00 - 11h00 sáng ngày thứ sáu 23/05/2014

Sau đây là nội dung trả lời độc giả của PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chuyên gia về dịch tễ, tại buổi giao lưu trực tuyến:

Xin hỏi TS Trần Như Dương, hiện nay chúng ta đã có những loại vắcxin nào phòng các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè?

(vumuinga@gmail.com)

PGS.TS. Trần Như Dương: Nhìn chung các vắc xin rất cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của con em mình để tiêm chủng cho đúng lịch chứ không nên chờ đến mùa dịch, đặc biệt là các vắc xin cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng . Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng có 8 loại vắc xin được tiêm chủng phổ cập cho trẻ dưới 1 tuổi bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, Hib. Bên cạnh đó có 3 loại vắc xin khác được tiêm cho các vùng nguy cơ cao bao gồm: viêm não Nhật Bản, Tả, Thương hàn. Các vắc xin khác ngoài tiêm chủng mở rộng cũng rất cần thiết bao gồm vắc xin thủy đậu, quai bị, rubella, viêm gan vi rút A, viêm màng não do nào mô cầu, vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút. Rất tiếc là 2 bệnh rất hay gặp trong mùa hè là sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng lại chưa có văc xin phòng bệnh

 

PGS.TS. Trần Như Dương: Rửa tay không mất nhiều thời gian, ít tốn kém nhưng có tác dụng phòng bệnh rất tốt.

PGS.TS. Trần Như Dương: Rửa tay không mất nhiều thời gian, ít tốn kém nhưng có tác dụng phòng bệnh rất tốt.

 

Tôi nghe truyền thông nói nhiều đến biện pháp rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh, vậy xin hỏi chuyên gia, việc này có tác dụng như thế nào và rửa tay đúng cách là như thế nào?

(Thu Hoài, Gia Lâm, Hà Nội)

PGS.TS. Trần Như Dương: Bàn tay rất dễ bị nhiễm bẩn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, trong học tập, lao động sản xuất, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh v.v.. đặc biệt bàn tay rất dễ bị nhiễm bẩn với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ môi trường, đồ vật xung quanh. Khi bàn tay bị nhiễm bẩn với các tác nhân gây bệnh sẽ là phương tiện truyền bệnh tự thân rất nguy hiểm thông qua các thói quen hàng ngày như chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Chính vì vậy việc rửa tay bằng xà phòng với nước sạch đặc biệt là với các loại xà phòng diệt khuẩn sẽ có tác dụng rửa trôi các chất bẩn, loại bỏ phần lớn các tác nhân gây bệnh ở bàn tay và từ đó sẽ có tác dụng để phòng bệnh không đặc hiệu với nhiều loại bệnh đặc biệt là các bệnh lây theo đường tiêu hóa và các bệnh lây theo đường hô hấp. Về cách rửa tay: chúng ta cần làm như sau: 1. Làm ướt tay với nước sạch, thoa xà phòng khắp bàn tay; 2. Cọ 2 bàn tay vào nhau thật kỹ, lưu ý chà hai bàn tay trong ít nhất 20 giây; chà tất cả bề mặt, bao gồm lòng bàn tay, mu bàn tay, cổ tay, giữa các ngón tay và phần da gần móng tay. 3. Rửa sạch xà phòng bằng nước sạch 4. Làm khô tay bằng khăn sạch hoặc máy sấy. Tóm lại là rửa tay không mất nhiều thời gian, ít tốn kém nhưng có tác dụng phòng bệnh rất tốt, có thể coi việc rửa tay như một biện pháp phòng bệnh hàng ngày cho tất cả mọi người.

Giao lưu trực tuyến Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết

PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang giao lưu với bạn đọc

 

Con trai tôi năm nay 4 tuổi, cháu khỏe mạnh bình thường và tiêm đầy đủ các loại vaccin trong tiêm chủng mở rộng. Tôi đọc báo được biết nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu, đặc biệt là ở trẻ em. Xin hỏi bác sĩ, có văcxin để tiêm phòng bệnh này hay không, nếu có thì con tôi có thể tiêm phòng được không?

(haiyen78@yahoo.com)

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Hiện nay đã có vắc xin để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu với hiệu lực bảo vệ cao. Tùy theo nhà sản xuất mà vắc xin được chỉ định tiêm ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng thường bắt đầu tiêm từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên vắc xin này chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Gia đình có thể đưa cháu đến các cơ sở tiêm chủng để được hướng dẫn và tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tôi nghe nói vào mùa hè bệnh dại thường tăng cao, tôi muốn hỏi các chuyên gia vì sao bệnh này lại tăng vào mùa hè và khi bị chó, mèo cắn mà không rõ con vật đó có bị bệnh dại hay không thì phải làm thế nào? Xin cảm ơn chuyên gia

(Thành Chung, Việt Trì, Phú Thọ)

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh dại ở nước ta xảy ra ở tất cả các tháng trong năm tuy nhiên thường tăng cao hơn vào mùa hè nắng nóng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Thời tiết nóng ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Những con chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích hung dữ hơn nên khả năng tấn công người và các con chó khác nhiều hơn. Cùng với thói quen thả rông chó của người dân nên việc lan truyền bệnh dễ dàng hơn và dễ làm bùng phát bệnh dại trên người cũng như trên chó mèo trong mùa hè.

Khi bị chó mèo cắn mà không rõ con vật đó có bị bệnh dại hay không thì phải xử lý như sau:

- Xử trí vết thương: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước sạch và xà phòng, hoặc nếu không có sẵn xà phòng thì rửa tay kỹ bằng nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 -70 độ hoặc cồn i ốt. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương.

- Đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

 

Khi bị chó mèo nghi dại cắn cần xối rửa kỹ vết thương với nước sạch và xà phòng và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Khi bị chó mèo nghi dại cắn cần xối rửa kỹ vết thương với nước sạch và xà phòng và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

 

Hiện nay chúng ta đã có vắcxin phòng bệnh tay chân miệng hay chưa? Ở người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này không thưa chuyên gia?

(Ngọc Mai, Cần Thơ)

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện triệu chứng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hơn có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm vi rút trước đây lúc còn nhỏ.

Bệnh tay chân miệng là bệnh có khả năng lây truyền cao, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac-xin phòng bệnh, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hàng ngày, trong đó đặc biệt là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo vệ sinh trong ăn uống.

Con tôi được 14 tháng tuổi, tôi đang muốn đi tiêm phòng văcxin viêm não Nhật Bản cho cháu nhưng không biết hiện tại có những loại văcxin nào để lựa chọn. Tiêm ở tuổi này có đúng không?

(Châu Anh, TP. Đà Nẵng)

PGS.TS. Trần Như Dương: Văcxin viêm não Nhật Bản được tiêm cho trẻ bắt đầu từ 1 tuổi trở lên với 3 liều cơ bản. Mũi 1 càng sớm càng tốt sau khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm cách mũi 2 ít nhất 1 năm. Văcxin viêm não Nhật Bản đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sử dụng văcxin của Việt Nam sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản với tính an toàn và chất lượng cao. Ngoài ra trên thị trường còn có loại văcxin do Hàn Quốc sản xuất.

Con tôi tiêm phòng viêm não Nhật Bản lúc 13 tháng tuổi, sau đó do cháu bị ốm nên tôi không tiêm tiếp được. Đến nay cháu đã được 16 tháng tuổi, vậy xin hỏi chuyên gia bây giờ tôi cho cháu tiêm vaccin viêm não Nhật Bản tiếp mũi 2 hay phải tiêm lại từ đầu? Hiệu quả của mũi tiêm thứ nhất có còn hiệu lực không?

(huyennguyen88@yahoo.com)

PGS.TS. Trần Như Dương: Trong trường hợp này cháu cần sớm được đưa đi tiêm mũi 2 của văcxin viêm não Nhật Bản và tiêm mũi 3 sau mũi 2 ít nhất 1 năm, không cần phải tiêm lại từ đầu mà vẫn đảm bảo được hiệu quả phòng bệnh.

Tôi muốn hỏi người bị chó, mèo dại cắn thì bao lâu sau sẽ phát bệnh? Cần phải làm gì để không bị phát bệnh? Trong trường hợp người bị bệnh đã lên cơn dại rồi thì có chữa được không?

(Dương Nghiêm, Lào Cai)

PGS.TS. Trần Như Dương: Thời gian ủ bệnh của bệnh dại trung bình từ 30 - 90 ngày sau khi bị chó mèo dại cắn (khoảng 80% trường hợp), tuy nhiên cũng có thể ngắn hơn chỉ 10 - 20 ngày, và cũng có những trường hợp hiếm gặp thời gian ủ bệnh kéo dài đến 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Biện pháp duy nhất để cứu người khỏi bệnh dại là tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cắn.

Hiện nay chưa có bất cứ thuốc gì hay phương pháp gì có thể điều trị được bệnh dại đã lên cơn. Người bệnh đã lên cơn dại và được chẩn đoán xác định mắc bệnh dại thì đều tử vong. Như tôi đã nói ở trên, ngay khi bị chó mèo nghi dại cắn thì phải rửa sạch ngay vết thương bằng xà phòng và nước sạch và đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Thưa bác sĩ, gia đình tôi thường xuyên ăn các sản phẩm thịt, chẳng hạn thịt gia cầm và thịt lợn. Để phòng tránh virút cúm A liệu nấu chín kỹ thịt thôi có an toàn không? Có lưu ý gì để chế biến thịt đúng cách?

Hương Linh (41 tuổi, quận Lê Chân, Hải Phòng)

PGS.TS. Trần Như Dương: Các sản phẩm thịt lợn và gia cầm khỏe mạnh khi được nấu chín đều an toàn cho người sử dụng. Tuyệt đối không ăn thịt lợn, thịt gia cầm ốm/chết. Tuyệt đối không ăn gỏi thịt sống hoặc thịt tái. Thông thường vi rút cúm sẽ bị giết chết hoặc bị bất hoạt ở nhiệt độ 70 độ C, chính vì vậy các sản phẩm thịt lợn hoặc gia cầm sau khi nấu chín kỹ sẽ an toàn cho người sử dụng. Cần nấu chín tất cả các phần của miếng thịt, không được để miếng thịt còn có bất cứ phần mầu hồng nào sau khi nấu. Cần phải có dao, thớt, bát, đĩa riêng cho chế biến thịt sống và thịt chín. Rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước và sau khi chế biến thịt.

Xin hỏi đi đến các chợ buôn bán gia cầm và trang trại ở những vùng đã có các ca nhiễm cúm gia cầm thì có an toàn không?

Thảo Nguyên (28 tuổi, Nghệ An)

PGS.TS. Trần Như Dương: Nếu không có việc cần thiết thì không nên đến các chợ gia cầm hoặc các trang trại gia cầm, đặc biệt là ở vùng đã và đang có dịch. Trong trường hợp cần phải đi đến những nơi đó thì nên đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với gia cầm. Rửa tay bằng xà phòng, tắm rửa, thay quần áo, giầy dép ngay sau khi ra khỏi những nơi đó.

Con tôi được 16 tháng, tôi định cho cháu đi tiêm cả vaccin viêm màng não mủ và vaccin viêm não Nhật Bản cùng một ngày thì có ảnh huởng gì không?

(Ngô Ngọc Huệ, Bắc Giang)

PGS.TS. Trần Như Dương: Hiện nay tại Việt Nam có 2 loại văcxin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu đó là văcxin phòng não mô cầu nhóm A-C (tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên) và văcxin phòng não mô cầu nhóm B-C (tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên). Hiện nay con chị được 16 tháng tuổi là có thể tiêm được văcxin phòng não mô cầu nhóm B-C. Về nguyên tắc có thể tiêm cùng một lúc 2 loại văcxin mà không có ảnh hưởng tới sức khỏe và đáp ứng miễn dịch của trẻ nhưng với điều kiện phải tiêm 2 loại văcxin này ở 2 vị trí khác nhau.

Con tôi được 4 tháng tuổi. Sắp đến thời điểm tiêm vac xin cho cháu. Tuy nhiên cháu sinh non ở tuần thứ 34 và chỉ nặng 1,5kg. Hiện đang có loại vac xin 5 trong 1 (tức là tiêm một mũi gồm nhiều loại vac xin). Xin hỏi BS tôi có nên cho con tiêm vac xin này hay nên tiêm tách từng mũi. Vac xin 5 trong 1 có phải sẽ có liều lượng mạnh hơn vac xin mũi 1 hay không?

(Nguyễn Thanh Hằng – Hà Nam)

PGS.TS. Trần Như Dương: Các văcxin phối hợp để phòng được nhiều bệnh trong 1 mũi tiêm là một tiến bộ rất lớn của y học. Sử dụng văcxin phối hợp vẫn đảm bảo đáp ứng miễn dịch cho trẻ rất tốt đồng thời giảm được số lần tiêm và giảm nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng. Văcxin 5 trong 1 để phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong trường hợp con chị nên sử dụng văcxin 5 trong 1 sẽ tốt hơn.

Tôi sắp cho con tiêm vac xin thủy đậu. Xin hỏi BS tiêm vac xin này có thể bị phản ứng không? Nếu bị phản ứng vacxin thì phải làm thế nào?

(dungthi@gmail.com)

PGS.TS. Trần Như Dương: Văcxin thủy đậu có thể được tiêm cho tất cả mọi người từ 1 tuổi trở lên mà chưa bị mắc bệnh trước đó. Cũng giống như các loại văcxin khác, sau khi tiêm văcxin thủy đậu cũng có 1 tỉ lệ nhất định phản ứng sau tiêm, hay gặp nhất là có sốt nhẹ và tự khỏi trong vòng 1-2 ngày, sưng đau tại chỗ tiêm, có một tỉ lệ rất hiếm trẻ bị nổi một vài nốt phỏng nước và sau đó tự khỏi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên nếu  trẻ có những biểu hiện sốt cao, sưng đau nhiều hoặc bất cứ biểu hiện gì bất thường thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị.

Vợ chồng tôi dự định có em bé và muốn tiêm vacxin thủy đậu, sởi, quai bị, rubella. Xin hỏi BS tôi phải tiêm vacxin trước khi mang bầu bao nhiêu tháng để không bị ảnh hưởng tới thai nhi.

(Trần Thu Hường - Hải Phòng)

PGS.TS. Trần Như Dương: việc tiêm văcxin phòng bệnh trước khi mang thai để phòng bệnh cho bà mẹ cũng như hạn chế ảnh hưởng của các bệnh truyền nhiễm tới thai nhi, các bà mẹ rất cần được tiêm một số loại văcxin sau: sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu. Các văcxin này nên được tiêm trước khi có kế hoạch mang thai từ 1-3 tháng. Tùy theo từng loại văcxin và nhà sản xuất sẽ có quy định về thời gian tiêm trước khi mang thai cụ thể. Vì vậy các bà mẹ nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Hiện rất nhiều bà mẹ bỏ tiêm vắc xin sởi mũi 2 và lo lắng con mình bị nhiễm sởi. Vào thời điểm bệnh sởi đang “nóng” liệu tôi có nên đưa con đi tiêm mũi 2 không?

(Lebao34@yahoo.com)

PGS.TS. Trần Như Dương: Cần tiêm đủ 2 mũi văcxin sởi để phòng bệnh cho trẻ. Trong trường hợp của con chị rất cần thiết cho trẻ đi tiêm văcxin sởi mũi 2 càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng lưu ý sau khi tiêm văcxin từ 2-3 tuần văcxin mới phát huy tác dụng cho nên trong giai đoạn này trẻ vẫn có thể bị lây bệnh sởi, và rất cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như tránh tiếp xúc với bệnh nhân nghi mắc sởi, thực hiện vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ.

Thưa bác sĩ, hiện nay đã có vắc xin phòng những loại cúm nào? Tôi và gia đình cần đến đâu để tiêm phòng và nhận được các tư vấn liên quan?

(Lê Tuấn, 34 tuổi, Phú Thọ)

PGS.TS. Trần Như Dương: Do các chủng virut cúm luôn luôn biến đổi nên hàng năm Tổ chức Y tế thế giới đều tiến hành phân tích và lựa chọn chủng virut làm văcxin phù hợp. Hiện nay văcxin cúm sử dụng tại Việt Nam thường phòng được 3 loại virut cúm là A/H1N1 đại dịch; A/H3N2 và cúm B. Văcxin cúm hiện nay chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Bạn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm văcxin phòng cúm.

 

 

Gia đình tôi hay ăn ngan, gà, đôi khi còn ăn tiết canh nhà tự làm. Vậy có nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm hay không?

(Linh Nhi, Hà Đông)

PGS.TS. Trần Như Dương: Các sản phẩm thịt ngan, thịt gà khỏe mạnh được nấu chín đều an toàn cho người sử dụng. Tuyệt đối không ăn thịt gia cầm ốm/chết. Trong tiết canh (máu) của gia cầm có nguy cơ rất cao bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và rất nguy hiểm cho người ăn, vì vậy tuyệt đối không được ăn tiết canh dưới bất kỳ hình thức nào kể cả tiết canh do người nhà tự làm.

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn