TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai vừa chia sẻ sẵn sàng đánh cược với 'dị nhân' cầu mưa Lê Minh Hoàng với các điều kiện cụ thể. Nếu 'dị nhân' Lê Minh Hoàng thực sự cầu được mưa, TS. Nguyễn Ngọc Huy sẵn sàng bỏ tiền túi 100 triệu đồng trao tay cho ông Lê Minh Hoàng. Ngược lại, nếu không thể cầu được mưa, ông Lê Minh Hoàng phải trả 100 triệu đồng để mua nước cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long chống hạn.
TS. Nguyễn Ngọc Huy cho biết, 'dị nhân' Lê Minh Hoàng có 10 ngày để cầu mưa chứ không chỉ 4 ngày như ông Hoàng nói. Địa điểm và thời gian có mưa là một điểm trên lãnh thổ Việt Nam do TS. Nguyễn Ngọc Huy chọn.
"Tôi mà đem về Phan Rang thì 'pháp sư' ngồi đó khóc 3 tháng không mưa chứ đừng nói là cầu. Còn TPHCM và khu vực Nam Bộ thì xác suất trong 10 ngày tới vẫn có những cụm mây dông phạm vi nhỏ. Nhưng tôi mà chỉ chỗ không mưa cho pháp sư cầu thì chắc chắn cũng không thể có mưa", TS. Nguyễn Ngọc Huy nói.
Theo ThS. Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, việc có xảy ra hiện tượng mưa (giáng thủy) phải có các điều kiện: bầu trời phải có mây, loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa hoặc các loại mây tầng thấp.
"Điều kiện hình thành mây tầng thấp là quá trình bốc hơi liên tục xảy ra, độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao, nhưng càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa, quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thăng, mưa sẽ xảy ra. Trong tầng đối lưu độ ẩm càng cao, hạt nhân ngưng kết (sol khí) càng nhiều, khi đó mưa càng dễ xảy ra", ông Quyết phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, ở thời điểm hiện tại, TPHCM và Nam Bộ, hình thế thời tiết tác động đó là trên cao áp cao tây Thái Bình Dương khống chế khu vực Nam Trung Bộ. Dưới tầng thấp, áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh, lấn về phía đông nam, làm cho cả khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đều nằm trong trường phân kỳ. Quá trình hình thành mây tầng thấp rất kém.
"Ở TPHCM với những điều kiện nhiệt độ không khí cao, không khí rất khô, tức là độ ẩm không khí thấp, ban ngày chỉ 30 - 35%; trong khi điều kiện thuận lợi hình thành mây gây mưa là độ ẩm không khí phải từ 89 - 90% nên không thể có mưa. Dưới góc độ khoa học, đây là điều không thể. Vậy nên cầu mưa được cho TPHCM lúc này thì giống truyện thần thoại", ThS. Lê Đình Quyết nói.
Trước đó như Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, TS. Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ký giới thiệu "người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng" cho Chi cục Thủy lợi TPHCM. Người được giới thiệu có khả năng cầu mưa này là ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, thường trú Hà Nội).
"Sau 2 lần gặp gỡ trực tiếp tôi, anh Hoàng có nhờ cơ quan giới thiệu anh với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán khô cằn nặng và anh nói có khả năng cầu mưa có hiệu quả. Song thực tế vấn đề này chúng tôi chưa được kiểm chứng nhưng rất xót xa dằn vặt về việc nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên tôi giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TPHCM về anh Lê Minh Hoàng.
"Nếu quả thực anh Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn được cứu hạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi chưa khẳng định và phủ định" - TS. Nguyễn Hoàng Điệp nêu trong văn bản.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 15/4: Miền Bắc nắng nóng gay gắt đúng dịp lễ Giỗ Tổ có nơi 37 độ |SKĐS