Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 12/4, khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Biên Hòa (Đồng Nai) 39,2 độ, Đồng Phú (Bình Phước) 38,8 độ, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 38.5 độ…, độ ẩm tương đối cao nhất phổ biến 40-45%; khu Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Mường Lay (Điện Biên) 37,2 độ, Yên Châu (Sơn La) 39.6 độ,…, độ ẩm tương đối cao nhất phổ biến 50-55%; khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ.
Ngày 13-14/4, khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, miền Đông có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%. Khu Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Tây Nguyên và khu vực vùng núi Trung và Nam Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ. Nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và khu Tây Bắc Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Ngày 14-15/4, ở khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía Tây khu vực Trung Bộ khả năng có nắng nóng diện rộng.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Tại hội nghị tổng kết tình hình khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định tình hình mưa lũ năm 2024, cơ quan khí tượng cho biết mùa mưa năm nay tại Nam Bộ bắt đầu muộn, nắng nóng kéo dài. Mưa bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 5, kết thúc khoảng cuối tháng 11. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-15%.
Tình hình nắng nóng còn diễn ra từ nay tới cuối tháng 5. Thời kỳ này rất ít khả năng có mưa, gió nhẹ, lượng nước bốc hơi cao. Nắng liên tục khiến sông, hồ, kênh, rạch bốc hơi mạnh dẫn đến khô hạn tiếp diễn trên hầu hết khắp Nam Bộ.
Mưa nhiều, bão lũ tăng vào cuối năm
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và dự báo thiên tai cho biết, từ nay đến hết tháng 4, khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Xoài, Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Phước và phía Tây của đồng bằng Sông Cửu Long không có dấu hiệu giảm nhiệt trong suốt tháng 4. Ngày nào nền nhiệt vào khung giờ 13 đến 15 giờ chiều cũng cao hơn 37 độ C, trong đó có nhiều ngày cao hơn 40 độ C. Đó là nhiệt độ khí tượng. Nhiệt độ thực tế ở môi trường sẽ cao hơn nữa ở những nơi có đất trống thiếu cây xanh, thiếu hồ nước, và nơi có bề mặt bê tông hóa.
Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình và cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 2 và tháng 3, khu vực này đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khu vực hầu như không mưa từ đầu năm đến nay. Số ngày nắng kéo dài làm một số lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.
Ông Hoàng Văn Đại cho biết, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình. Theo đó, mùa mưa có thể bắt đầu ở Tây Nguyên vào đầu hoặc giữa tháng 5, trong khi Nam Bộ khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 mới xuất hiện. Vì vậy, tổng lượng mưa trong tháng 5 ở các khu vực trên nguy cơ thiếu hụt 15-30% so với trung bình.
Theo cơ quan khí tượng, mùa lũ năm nay tại sông Sài Gòn - Đồng Nai rơi vào tháng 8-9, tại Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 10-11. Đỉnh lũ năm nay có thể cao hơn năm 2023 nhưng không đáng kể. Xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm, đến cuối tháng 6 giảm hẳn. Từ nay đến tháng 6 khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn nữa rơi vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Nửa đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Thời kỳ này sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa lớn, đặc biệt là sét đánh. Về cuối năm Enso sẽ chuyển sang pha La Nina. Đây là hình thái mưa nhiều, bão, lũ tăng do đó các địa phương cần theo dõi để chủ động ứng phó.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 13/4: Nắng nóng diện rộng trên cả nước trong 2 ngày cuối tuần | SKĐS