Giáo viên đánh học sinh bị xử lý thế nào?

12-10-2023 08:13 | Thời sự

SKĐS - Sau sự việc một giáo viên chủ nhiệm ở TP. HCM đánh học sinh tới mức gãy ngón tay, nhiều phụ huynh lo lắng và đặt câu hỏi: Giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không? Giáo viên đánh học sinh thì bị xử phạt thế nào?

Mới đây, chị V.T.T - phụ huynh bé M.K (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM) tố cô giáo chủ nhiệm đánh tới mức con chị bị gãy xương ngón tay.

Cụ thể, chia sẻ với báo chí, chị T. cho biết, chiều 4/10, khi đi học về, con chị kêu bị đau nhức ngón tay rất nhiều. Gia đình kiểm tra, thấy bàn tay bên phải của con có hiện tượng sưng. Sau khi gặng hỏi, bé M.K kể, bị cô giáo chủ nhiệm đánh bằng cây gõ nhạc cụ vào mu bàn tay trong tiết học sáng. Chị T. đưa con đến một phòng khám ở quận Tân Bình. Tại đây, bác sĩ xác định bé M.K bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4 xương bàn tay phải.

Phụ huynh cho biết, sau sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường và cô giáo chủ nhiệm đã chủ động đến nhà riêng của bé để xin lỗi. Chiều 11/10, trao đổi với báo chí, đại diện Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết giáo viên chủ nhiệm tên N.T.S của lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã bị tạm đình chỉ và xem xét xử lý kỷ luật tùy mức độ sai phạm.

Giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không? - Ảnh 1.

Bàn tay phải của học sinh M.K được băng bó. Ảnh: Chân Phúc

Sau sự việc này, nhiều vụ phụ huynh lo lắng và đặt câu hỏi giáo viên có được quyền đánh học sinh hay không? Giáo viên đánh học sinh thì bị xử phạt thế nào?

Giáo viên không được quyền đánh học sinh

Căn cứ vào Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT Quy tắc ứng xử trong trường mầm non, giáo dục phổ thông, ứng xử của giáo viên với người học như sau: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Như vậy, việc đánh học sinh là đã vi phạm quy tắc ứng xử của giáo viên. Do đó, giáo viên không được quyền đánh học sinh.

Giáo viên đánh học sinh bị xử phạt như thế nào?

Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học sẽ bị xử phạt theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành (a); Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (b);

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định kỉ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (a); Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (b), trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Như vậy, giáo viên đánh học sinh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai đối với học sinh mà mình đã đánh trừ trường hợp người bị đánh hoặc đại diện hợp pháp của người bị đánh yêu cầu không xin lỗi công khai.

Giáo viên đánh học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp giáo viên đánh học sinh mà gây thương tích trên 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: thực hiện với người dưới 16 tuổi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.

Trong đó, mức phạt thấp nhấp với Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, các mức phạt còn lại được quy định như sau:

- Phạt tù từ 02 năm đến 06 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%...

- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạn vùng mặt) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;…

- Phạt tù từ 07 năm đến 14 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; …

- Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi làm chết 02 người trở lên…

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà giáo viên đánh học sinh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các khung hình phạt phù hợp về Tội cố ý gây thương tích.

Để tránh tai nạn về điện cho học sinh, trường học cần lưu ý những gì?Để tránh tai nạn về điện cho học sinh, trường học cần lưu ý những gì?

SKĐS - Sau việc một học sinh bị điện giật tử vong khi lấy nước uống tại bình nóng lạnh của trường hay vụ cháy xảy ra tại thư viện một trường học được cho là do chập điện mới đây khiến phụ huynh lo lắng. Các trường cần làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn