Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh: “Các em cần rèn luyện kỹ năng ứng phó”

04-10-2023 06:32 | Xã hội

SKĐS - Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang cho rằng, nếu sự việc là chính xác thì đó chính là một dạng bạo lực học đường. Bởi đó là những hành vi mang tính ngược đãi, sỉ nhục, lăng mạ danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của học sinh.

Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo do giải quyết các tình huống sư phạm không đúng, có lời nói và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với học sinh, gây bức xúc dư luận xã hội. 

Sau những sự việc này, PV báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang (Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam) xung quanh vấn đề làm sao để giúp các em học sinh ổn định tâm lý (cả nạn nhân trong clip cùng các học sinh trong lớp) cũng như làm thế nào để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui, một ngày an toàn.

Nhà trường cần có trách nhiệm trao đổi lại với các em học sinh có liên quan

PV: Sau những vụ việc đang gây xôn xao dư luận này, là một nhà tâm lý, anh suy nghĩ thế nào về cách hành xử của thầy cô với học trò thời nay?

Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh: “Các em cần rèn luyện kỹ năng ứng phó” - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang.

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang: Chúng ta hãy bình tĩnh để nhìn nhận một cách tổng thể khách quan và công tâm nhất cho các sự việc này, từ đó có cách thức hành động phù hợp nhằm xử lý và quan trọng hơn là phòng ngừa những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng.

Trong quá trình công tác về lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng tôi từng tham vấn cho rất nhiều trường hợp là học sinh THCS, THPT là nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè bắt nạt, cô lập, thầy cô giáo mắng chửi, tạo áp lực tinh thần dẫn tới stress quá độ, trầm cảm, rối loạn cảm xúc… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng từng tiếp cận và can thiệp tâm lý cho một trường hợp là "giáo viên trẻ bị trầm cảm vì áp lực ở học đường" cụ thể là bị chính học sinh của mình quay clip lộ vùng nhạy cảm khi giảng dạy và cắt ghép hình ảnh của mình vào các clip nhạy cảm để dọa đưa lên mạng.

Chính vì thế, với vai trò là người ngoài cuộc, tôi nghĩ chúng ta cần có sự xác minh chính xác của người trong cuộc và các cơ quan có thẩm quyền trước. Nếu sự việc đúng là như thế thì tôi xin chia sẻ với hoàn cảnh của hai em học sinh trong hai vụ việc, còn về cách hành xử của hai thầy cô giáo với học trò của mình như vậy là rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm minh.

"Tôn sư trọng đạo không phải là chỉ có cúi đầu nghe theo và sợ hãi" - Ảnh 1.

Một học sinh tiểu học ở tỉnh Thanh Hóa bị cô giáo đánh bầm tím lưng do không làm bài tập.

PV: Những hành vi đó là một dạng của bạo lực học đường?

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang: Theo tôi, nếu sự việc được xác minh là chính xác như những thông tin được đưa ra trên dư luận thì hành vi của các thầy cô đó chính là một dạng bạo lực học đường, bởi đó là những hành vi mang tính ngược đãi, sỉ nhục và lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm của các em học sinh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của em học sinh đó. 

PV: Theo chuyên gia, gia đình và nhà trường cần làm gì để ổn định tâm lý cho các em - cả nạn nhân trong clip cũng như các học sinh trong lớp?

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang: Với vai trò là gia đình, cha mẹ và người thân cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc và ở bên cạnh con mình nhằm chia sẻ, an ủi và động viên con, giúp con ổn định tâm lý sau vụ việc.

Về phía nhà trường, có thể hỏi về mong muốn và nhu cầu của em học sinh đó, có thể tạo điều kiện cho em được nghỉ học ngắn ngày nếu như có mong muốn. Ngoài ra cần phối hợp với bên cơ quan chức năng có thẩm quyền và phối hợp xử lý nghiêm minh với trường hợp của người giáo viên. Sau đó, nhà trường cần có trách nhiệm trao đổi lại với các em học sinh có liên quan trong lớp về vụ việc đã xảy ra. Ban giám hiệu nhà trường cũng cần đưa ra phương án để làm việc với cán bộ giáo viên toàn trường để sự việc như trên không được phép tái diễn.

Mỗi bạn trẻ cần tự thực hành nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, biết đồng cảm với mọi người

PV:  Qua các sự việc vừa rồi, dường như không một ai trong cuộc đứng về phía các em, không một cánh tay nào được đưa ra giúp đỡ. Các bạn học sinh đang vô cảm với chính bạn học của mình?

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang: Trong xã hội phát triển như ngày nay, khi điều kiện đủ đầy hơn, nhu cầu cá nhân được nâng cao, đi kèm với nó lại là vấn nạn của sự "vô cảm". Do lối sống cá nhân, ích kỷ, thực dụng, chỉ biết đến bản thân mình đang khá phổ biến ở giới trẻ ngày nay, sự vô cảm đã và đang thực sự xâm nhập và ăn sâu vào các lớp thế hệ trẻ hiện giờ.

Ngoài ra, khách quan hơn, vấn đề vô cảm còn đến từ những nguyên nhân liên quan tới giáo dục trong gia đình, đến sự giáo dục từ nhà trường và từ xã hội. Có chăng chúng ta đang sống vội, đang chạy theo những sự phát triển về công nghệ và tiện nghi vật chất mà bỏ quên các hoạt động nhằm nuôi dưỡng lòng trắc ẩn như lòng biết ơn, đức tính giản dị, sự yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia.

"Tôn sư trọng đạo không phải là chỉ có cúi đầu nghe theo và sợ hãi" - Ảnh 2.

Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động dư luận mấy ngày qua.


Về giải pháp, theo tôi, mỗi bạn trẻ cần tự thực hành nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, sống đúng với chuẩn mực đạo đức, biết đồng cảm với mọi người, biết chủ động học hỏi và trau dồi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, tình yêu thương, sự sẻ chia. Bên cạnh đó, gia đình là cái nôi hình thành nhân cách con trẻ, vì vậy muốn con cái trở nên tốt hơn, gia đình là nơi mọi người sống yêu thương nhau, nâng đỡ, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. Từ đó con cái sẽ noi gương. 

PV: Để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui thật sự, chúng ta cần làm gì?

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang: Tôi cho rằng, trong bất kỳ một môi trường nào thì cũng tồn tại những vấn đề mang tính tích cực và tiêu cực. Vì vậy, chúng ta cần chủ động đón nhận và chuẩn bị tâm lý cho bất kỳ điều gì tiêu cực có thể xảy đến và phòng ngừa chính là biện pháp an toàn cần hướng tới.

Điều cần đưa ra sau vụ việc này chính là việc phòng ngừa các vấn nạn về bạo lực học đường. Chúng ta có thể nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng môi trường đào tạo ở trường học (ở đây chú trọng tới sự chặt chẽ của ban giám hiệu nhà trường, chất lượng giáo viên, ngoài trình độ ra thì yếu tố đạo đức, nhân cách là yếu tố không thể thiếu). Rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng làm chủ cảm xúc và kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường.

PV: Xin cảm ơn chuyên gia!

Cần xử lý nghiêm những giáo viên ‘thiếu giáo dục’ đứng trên bục giảngCần xử lý nghiêm những giáo viên ‘thiếu giáo dục’ đứng trên bục giảng

SKĐS - Với những vụ việc liên quan đến cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh hay thầy giáo gọi học sinh là "con chó" ngay trên bục giảng, theo các chuyên gia, đây là những hành vi phản giáo dục, đã đến lúc cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức nhà giáo trong trường học.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn