Nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra
5 nữ sinh đánh hội đồng bạn học do mâu thuẫn khi nhắn tin trên mạng: Sau ngày khai giảng, một đoạn video được phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh liên tục bị nhiều nữ sinh khác hành hung trên đoạn đường ven sông. Trong clip, nhóm nữ sinh đứng vây quanh và đánh tới tấp nạn nhân. Thậm chí, khi nạn nhân ngã xuống đường, cả nhóm vẫn không dừng tay.
Qua xác minh, nhóm nữ sinh này gồm 5 học sinh lớp 7, 8, 9 Trường THCS Vị Đông (huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang) chặn đường đánh một học sinh lớp 6. Nguyên nhân của vụ việc được cho là do mâu thuẫn khi nhắn tin qua lại trên mạng xã hội.
Đánh nhau trong ngày khai giảng: Đề nghị công an vào cuộc
Trong ngày khai giảng, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi cảnh một nữ sinh mang đồng phục bị các bạn nữ khác vây lại đánh. Trong đó có một phụ nữ túm tóc, cầm mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu nữ sinh mặc đồng phục rồi dùng tay tát và chửi bới, kéo lê em này lên các bậc cầu thang. Sau đó, 2 nam sinh mặc đồng phục đến can ngăn thì nữ sinh mới được giải thoát khỏi vụ hành hung.
Qua xác minh, nữ sinh bị đánh là một học sinh lớp 10 Trường THPT Hướng Hóa (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Sự việc xảy ra vào 12h30 ngày 5/9 tại Nhà văn hóa các dân tộc người Vân Kiều - Pa Cô huyện Hướng Hóa. Vì mâu thuẫn cá nhân, nữ sinh này bị 4 bạn nữ chặn đánh và quay clip. Người cầm mũ bảo hiểm đánh nữ sinh này đã nghỉ học, 3 người còn lại học lớp 9.
Ông Lê Chí Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường gặp học sinh bị đánh và phụ huynh để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, có văn bản gửi Công an thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm những người liên quan.
Nữ sinh lớp 10 xử lý mâu thuẫn bằng nắm đấm
Ngay đầu năm học mới, đại diện Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đăk Pơ, Gia Lai) đã xác nhận video các cá nhân đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội là học sinh của trường. Cụ thể, 2 học sinh nữ lớp 10A4 xảy ra mâu thuẫn, nói xấu với một học sinh khác cùng lớp. Sau đó, các nữ sinh hẹn nhau ra một khu vực khác để "giải quyết" mâu thuẫn bằng nắm đấm.
Vừa vào năm học mới, nữ sinh ở Nghệ An đã đánh nhau
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video hai nữ sinh ở Nghệ An đánh nhau khiến nhiều người phẫn nộ. Theo đoạn video, một nữ sinh mặc áo đồng phục màu xanh nắm tóc, vật ngã, đánh nữ sinh khác mặc áo đồng phục màu đỏ. Điều đáng nói, trong khi hai nữ sinh đang đánh nhau thì có nhiều học sinh và một phụ nữ lớn tuổi khác không can ngăn mà còn dùng điện thoại quay hình. Sự việc chỉ dừng lại khi có hai người đàn ông ở gần đó chạy đến can ngăn.
Chia sẻ với báo chí, thầy Trần Việt Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (TP. Vinh, Nghệ An) xác nhận, nữ sinh mặc áo xanh đánh bạn là học sinh lớp 9 của Trường THCS Lê Lợi. Hiện nhà trường đang phối hợp cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự việc, để có biện pháp xử lý.
Cần có giải pháp ở nhiều cấp độ
ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cần có giải pháp ở nhiều cấp độ.
Ở cấp độ cá nhân, mỗi học sinh cần tự học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng từ chối… Các con cần chủ động tìm hiểu và hỏi thêm thầy cô, cha mẹ để biết cách phòng tránh trong những tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy đến. Ngoài ra, khi con gặp sự việc khó giải quyết thì hãy chia sẻ, tâm sự với người lớn, bạn bè xung quanh.
Ở cấp độ trường học, nhà trường cần lồng ghép nội dung giảng dạy phòng chống bạo lực học đường vào các hoạt động sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh về biểu hiện, hậu quả và cách ứng phó với bạo lực học đường.
Nhà trường có thể cung cấp các chỉ dẫn ứng phó trong tình huống bạo lực học đường cho học sinh bằng các áp phích, tranh, ảnh… dán ở nhiều nơi phù hợp, trong đó đặc biệt lưu ý làm nổi bật thông tin về "đường dây nóng" hỗ trợ học sinh bất cứ lúc nào có hiện tượng bạo lực hay bắt nạt xảy ra.
Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức nhiều chuyên đề nhằm giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường. Vấn đề này chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta có một tập thể sư phạm tốt và biết đặt lợi ích của học sinh làm tiêu chí hàng đầu trong sự phát triển của nhà trường.
Đối với cấp độ xã hội, các cấp quản lý cao hơn có thể cân nhắc về việc tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách phủ sóng các hình ảnh, video về hành động đẹp trong trường học, các việc làm tốt, các hình ảnh đẹp liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.
Về vai trò của phụ huynh trong các vụ bắt nạt học đường, PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, bắt nạt là một vấn đề của xã hội và cần có sự tham gia của phụ huynh.
"Đầu tiên, phụ huynh cần phải là một tấm gương tốt, làm mẫu cho con trong việc hành xử với người khác, sử dụng những hành vi tôn trọng, yêu thương và ứng xử phi bạo lực. Thứ hai, bằng hành vi của mình hàng ngày, các bậc cha mẹ hãy dạy con cách thức để kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Thứ ba, các bậc phụ huynh cần giúp con nhận ra được cái quý giá nhất của con người chính là tính mạng. Nếu trong lúc này con cảm thấy đau khổ thì sau một khoảng thời gian cảm xúc đó sẽ thay đổi. Con hãy chia sẻ với những người con tin tưởng, hay nói ra và nhờ sự giúp đỡ".
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Vấn đề này ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục. "Do đó cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Chúng ta phải tăng cường công tác tham vấn học đường, cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội", ông Nam cho biết.