Chuyên gia chỉ cách ăn uống ngày Tết tránh 'thừa thịt , thiếu rau"

20-01-2023 08:14 | Dinh dưỡng

SKĐS - Tết đến, xuân về là dịp để đoàn viên, gia đình sum họp. Bữa ăn ngày tết vì thế mà cũng đầy đủ, cầu kỳ hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, các bà nội trợ cần chú ý đến yếu tố cân đối trong bữa ăn ngày tết, vì bữa ăn ngày tết có xu hướng "thừa thịt – thiếu rau".

Bữa ăn ngày tết thường "thừa thịt, thiếu rau"

Hiện nay, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, cùng với lối sống hiện đại đã thay đổi phần nào cách ăn của người Việt Nam.

Xu hướng đơn giản hóa các món ăn, thời gian chuẩn bị bữa ăn ít hơn, dành thời gian nhiều hơn để vui chơi, vì thế bữa ăn bị xem nhẹ.

Để bữa ăn ngày Tết đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có thời gian dành cho gia đình, đi chúc tết, du xuân cùng người thân, bạn bè, thì việc "sắm Tết" là công đoạn rất quan trọng để chuẩn bị cho bữa ăn sum vầy ngày Tết.

Để phục vụ bữa ăn ngày tết, người dân thường mua nhiều loại thực phẩm để dự trữ và bảo quản trong tủ lạnh. Những thực phẩm truyền thống như: Giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét… được chế biến sẵn, những thực phẩm khác như thịt và rau các loại cũng được dự trữ, món rau chủ yếu trong ngày tết là canh măng.

Bữa ăn ngày tết gồm những loại thực phẩm: Thịt gà, giò lụa (giò bò, giò bê, giò xào...) và các loại thịt, món xào và bát canh măng. Vì thế, bữa ăn quá thừa thịt, thiếu rau xanh, món ăn thường bị lặp đi lặp lại giống nhau trong các bữa, làm người ăn cảm giác không ngon.

Đồng thời, thức ăn thường nguội, lạnh do thực phẩm chế biến sẵn, món ăn sau khi chế biến xong thường để thờ cúng tổ tiên trong khoảng 40-60 phút gia đình mới ăn.

Bữa ăn ngày tết dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng - Ảnh 1.

Bữa ăn ngày tết thường "thừa thịt, thiếu rau".

Vai trò của rau quả đối với sức khỏe

Rau quả là nguồn cung cấp cho cơ thể các vitamin và muối khoáng để phòng chống các bệnh thiếu vi chất. Rau được sử dụng nhiều trong ngày Tết gồm: Rau thơm (xà lách, húng láng, mùi, kinh giới, hành tươi, ớt, tỏi....), ngoài cung cấp các vitamin, chất khoáng, chất xơ chúng còn là những vị thuốc kháng sinh thực vật rất tốt.

Các loại rau xanh (súp lơ, cần tây, tỏi tây, cà chua) và các loại quả (cam, chanh, quít...) là nguồn cung cấp vitamin C. Vitamin C trong quả không bị mất mát do chế biến. β - caroten có nhiều trong các loại rau quả có màu vàng, màu đỏ da cam hay xanh sẫm như: Ớt đỏ, cà rốt, cà chua, xoài, gấc, hồng đỏ, rau muống, hành lá... Rau xanh cũng là nguồn cung cấp acid folic, vitamin K. Các loại đậu có nhiều vitamin nhóm B (B1, B2).

Rau quả còn chứa nhiều chất khoáng có tính kiềm đặc biệt là kali, canxi, magiê có vai trò quan trọng trong nhiều chức phận hoạt động của cơ thể và cần thiết để duy trì cân bằng kiềm toan.

Ngoài ra, nó còn cung cấp chất pectin, acid hữu cơ và chất xơ. Chất xenluloza của ngũ cốc và ở dưới dạng liên kết với các chất pectin tạo thành phức hợp pectin-xenluloza có tác dụng điều hòa nhu động ruột chống táo bón, đồng thời giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể, để phòng chống tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

Vì vậy, trong bữa ăn ngày tết các bạn đừng quên rau xanh và hoa quả chín, có thể ăn với số lượng nhiều và thoải mái, chứ không nên chỉ các món ăn chế biến sẵn (giò, chả…), thức ăn chế biến từ thịt, cá, hải sản. Nhu cầu rau xanh là 400g/người/ngày và quả chín là 100 - 200gam/người/ngày.

Bữa ăn ngày tết dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng - Ảnh 3.

Nên tăng cường các loại rau quả tươi vào bữa ăn ngày tết.

Sử dụng rau thơm thế nào cho sạch?

Trong bữa ăn ngày Tết, ngoài các thức ăn giàu đạm thì nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu từ các loại rau sống (rau thơm). Rau sống với đa dạng các loại rau gia vị cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Nhưng nếu rau sống không đảm bảo an toàn vệ sinh (trong khi canh tác sử dụng phân bón: Phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng qui định...) thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người sử dụng dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính.

Bữa ăn ngày tết dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng - Ảnh 4.

Rửa rau trực tiếp dưới vòi nước sạch là cách tốt nhất để làm sạch rau.

Để đảm bảo rau sạch cần sơ chế sạch, rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.

Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo vệ sinh. Qua một số thí nghiệm cho thấy trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.

Như vậy nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau vẩy ráo nước trước khi ăn.

Một số lưu ý khi mua và sử dụng thực phẩm trong ngày tết:

  • Không mua và ăn uống các thứ có phẩm màu lòe loẹt.
  • Chỉ mua các thực phẩm có số đăng ký chất lượng, địa chỉ sản xuất rõ ràng và còn hạn sử dụng.
  • Rau quả nhớ rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.
  • Đừng ăn lạc, hạt hướng dương và các loại hạt khác bị mốc vì có thể chứa chất độc nguy hiểm.
  • Chớ uống nhiều rượu, nước ngọt có ga và ăn nhiều bánh kẹo. Hãy cảnh giác với rượu giả trên thị trường.
  • Không ăn thức ăn ôi thiu, có mùi lạ để đề phòng ngộ độc. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ăn nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.


ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn