Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ

19-10-2023 15:49 | Thời sự

SKĐS - "Cuộc sống là của mình. Mình phải sống cho tốt. Có lỗi phải chuộc lỗi. Sao lại tìm đến cái chết" - câu nói của người mẹ khiến Lô Văn Nhất (SN 1988, trú xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An), một người nghiện, nhiễm HIV bừng tỉnh.

10 năm chìm trong bóng tối

Nhớ lại chuyện này, Lô Văn Nhất nói: "Đó là khoảng thời gian tôi chìm trong bóng tối khi bị mọi người xa lánh, kỳ thị".

Nhất dính đến ma túy năm 2003 khi mới học lớp 10. Cái tuổi thích thể hiện, là "oai, không sợ ai. Là đàn anh, đàn chị". Thời điểm đó, cứ tối đến là nhóm từ 7-8 thanh niên tụ tập ở đầu bản rồi chích hút. Một chiếc bơm kim tiêm được chuyền tay trong cả nhóm. Đến lượt Nhất thì nước pha thuốc trong bơm kim tiêm đã chuyển sang màu đỏ quạch vì lẫn cả máu của những người khác. Khi đi xét nghiệm, Nhất nhận kết quả bị nhiễn HIV.

Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ  - Ảnh 1.

Anh Lô Văn Nhất lấy mẫu test nhanh cho đối tượng nghi nhiễm HIV.

Biết kết quả xét nghiệm, Nhất bình thản. Không phải vì mạnh mẽ hay tỉnh táo, mà vì Nhất không có kiến thức về HIV, không biết HIV là gì. Chỉ biết, nghe đến bệnh này mọi người đều phải sợ hãi. Từ đó, Nhất càng ngang tàng và bất chấp. Thế nhưng một trận ốm khiến Nhất không trụ vững. Biết tin về bệnh của mình, bố mẹ Nhất chết lặng. Lúc đó, Nhất dần nhận ra HIV là một thứ gì đó ghê gớm nhưng phải giấu kín.

Rồi Nhất dần nhận ra mình đang bị kỳ thị, xa lánh kể cả những người ruột thịt của mình. Nhất nhớ lại: "Một lần sang thăm nhà bác, sau khi vào ngồi uống nước, nói chuyện, tôi ra về thì vô tình nhìn thấy cảnh người nhà dùng bao ni lông bọc cái cốc mà tôi đã uống lại và quăng vào thùng rác. Cảnh tượng ấy khiến tôi sụp đổ vì thấy mình bị kì thị".

Hình ảnh đó ám ảnh Nhất suốt nhiều ngày. Nhất quyết định treo cổ tự vẫn, chấm dứt cuộc đời mình. "Lúc tôi trèo lên cây định tự vẫn thì phía dưới mẹ tôi đã khóc nói "cuộc sống là của mình. Mình phải sống cho tốt. Có lỗi phải chuộc lỗi. Sao lại tìm đến cái chết". Tình yêu thương của bố mẹ đã cứu sống tôi vào ngày hôm đó" – Nhất nhớ lại.

Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ  - Ảnh 2.

Mưa gió nhưng Lô Văn Nhất vẫn cố gắng đưa người nghi nhiễm đến cơ sở y tế.

Khi được các đồng đẳng viên tìm đến trò chuyện mỗi ngày, Nhất dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, bắt đầu cai nghiện ma túy và uống thuốc điều trị HIV. Nhất vui nói: "Giờ tôi không còn phụ thuộc methadone và vui hơn nữa là tôi đã trở thành một thành viên của nhóm đồng đẳng Sao Va từ năm 2021 để giúp những người cùng cảnh ngộ bước ra ánh sáng".

Băng rừng vượt suối giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ

Anh Lang Chung Hiền, Trưởng nhóm Sao Va cho biết, hiện nhóm có 7 thành viên chính thức và 2 thành viên "dự bị" vì chưa có thẻ tiếp cận viên cộng đồng do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An cấp. Dù là "dự bị" nhưng các thành viên rất năng nổ bởi họ là người cùng cảnh ngộ, hiểu thấu được tâm tư những người nhiễm HIV. Vì thế dù bản làng có xa, đường sá trắc trở nhưng các thành viên luôn hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Nhất là một trong những thành viên rất hăng hái.

Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ  - Ảnh 3.

Mỗi thành viên trong nhóm đều trang bị cho mình kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về những người nghiện, người nhiễm HIV.

Mỗi thành viên trong nhóm đều trang bị cho mình kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về những người nghiện, người nhiễm HIV. Ở họ đều có cách nói chuyện riêng cũng như cách tư vấn mềm dẻo nhằm tiếp cận nhiều nhất với những người nhiễm HIV còn ẩn khuất trong các bản làng xa của huyện biên giới.

Anh Hiền thông tin, nhờ sự hoạt động hiệu quả của nhóm mà từ đầu năm đến tháng 10/2023 đã phát hiện được 19/24 trường hợp mắc mới.

Hàng tháng, mỗi người sẽ chăm sóc, tiếp cận 40-50 người nghi mắc HIV. Với địa bàn rộng nên hầu như các thành viên ít có ngày nghỉ. Chưa kể những lúc mưa gió, nước ở các khe suối lên cao thì việc ở lại nhà dân bản là chuyện thường ngày.

Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ  - Ảnh 5.

Một buổi tư vấn của nhóm Sao Va về căn bệnh HIV.

Phụ trách xã Tiền Phong với những bản rất xa như Ná Sành, Xốp Sành… cách Trạm y tế xã hơn 15km, đường sá đi lại rất cheo leo. Người nhiễm bệnh ở đây hầu hết cuộc sống đang rất khó khăn nên công việc của anh Ngân Văn Un vất vả bội phần.

Anh Un tâm sự: "Có vất vả thì mình phải càng cố gắng. Nếu lơ là một ngày thì rất nguy hiểm vì địa phương đang là "điểm nóng" về người nhiễm HIV với hơn 400 người mắc ở hầu hết các bản. Nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành…. Giờ có thêm chị Lô Thị Loan – một thành viên mới thì việc tiếp cận với những người có nguy cơ cao sẽ dễ dàng hơn".

Chị Lô Thị Loan nói, nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, khi đến gặp những người nghi nhiễm, chúng tôi thường có cách tiếp cận riêng. Quan trọng nhất là có được lòng tin của những người này. Đây cũng là kỹ năng rất quan trọng trong mỗi thành viên. Có được lòng tin thì công việc coi như hoàn thành đến 70%. Việc lấy test cũng sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi chờ kết quả test, các thành viên chủ động nói chuyện vui để người bệnh vơi bớt lo lắng.

Chuyện của người nhiễm "H" trở thành đồng đẳng viên giúp hàng trăm người cùng cảnh ngộ  - Ảnh 6.

"Khách hàng" ghi số điện thoại của thành viên nhóm Sao Va lên tường để lúc cần kíp sẽ gọi điện.

Ông Thái Văn Nhàn - Phó khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh hiện có 30 đồng đẳng viên, hoạt động trong 6 nhóm. Dù tiền phụ cấp ít ỏi (từ vài trăm ngàn đến 1,5 triệu đồng/người/tháng), không đủ để trang trải cuộc sống, nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, nhiệt tình, góp phần ngăn chặn việc lây lan HIV.

Nói thêm về các nhóm đồng đẳng viên, ông Nhàn nhấn mạnh, một lợi thế lớn của các nhóm đồng đẳng là rất nhanh nhạy và có thể tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích thông qua mạng xã hội như facebook; zalo, ticktok… phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.

"Với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Nghệ An. Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách địa phương là hết sức quan trọng" – ông Nhàn nói.

Tăng cường xét nghiệm HIV cho nhóm có nguy cơ caoTăng cường xét nghiệm HIV cho nhóm có nguy cơ cao

Các nhóm có nguy cơ cao với bệnh HIV như phụ nữ bán dâm, tiêm chích ma túy, quan hệ đồng giới…đã chủ động đi xét nghiệm HIV định kỳ.

Bão số 5 đang mạnh lên và không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc | SKĐS



V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn