Chế độ ăn cho người bệnh ù tai

ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E

ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E

15-08-2024 06:38 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và phù hợp sẽ giúp người bệnh ù tai cải thiện tình trạng bệnh của mình, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất.

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

Ù tai là nghe thấy tiếng ồn, có thể khác nhau về cao độ từ tiếng trầm nhẹ đến tiếng rít cao như tiếng gió thổi, óc ách, xào xạc, tiếng chuông, tiếng vo ve, o o, i i, tiếng ve - dế - côn trùng kêu, tiếng còi tàu xe, tiếng lách tách, lẹt xẹt của đài,... ở một hoặc cả hai tai. 

Tiếng ồn người bệnh nghe thấy này không phải do âm thanh bên ngoài gây ra và những người khác không thể nghe thấy. Trong một số trường hợp, âm thanh có thể lớn đến mức cản trở khả năng tập trung hoặc nghe âm thanh bên ngoài của bạn.

Triệu chứng ù tai có thể xuất hiện mọi lúc hoặc có thể từng lúc (xuất hiện rồi biến mất). Trong một số trường hợp, tiếng ù tai dưới dạng âm thanh nhịp nhàng hoặc tiếng vù vù, có thể xảy ra cùng lúc với nhịp tim của bạn. Điều này được gọi là ù tai dạng mạch đập (ù tai khách quan).

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ù tai

Theo ThS.BS Nguyễn Hy Quang – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E, ù tai ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Đối với một số người, chứng ù tai có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Nếu bị ù tai, người bệnh cũng có thể gặp phải: Mệt mỏi, stress, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo lắng, cáu gắt, nhức đầu... và các vấn đề với công việc, cuộc sống và gia đình.

Chế độ ăn cho người bệnh ù tai- Ảnh 1.

Ù tai gây ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người bệnh.

Ù tai khiến nhiều người khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày. Để giảm thiểu các triệu chứng của ù tai và nâng cao sức khỏe thính giác, việc bổ sung những loại thực phẩm phù hợp vào chế độ ăn uống hàng ngày là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia thính học, những người bị ù tai nên quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn hàng ngày bởi đây là một trong những cách hỗ trợ sức khỏe đôi tai hiệu quả.

Việc áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng kết hợp với tập thể dục thường xuyên, duy trì thói quen ăn ngủ điều độ đi kèm với liệu trình thư giãn sẽ giúp cho các mạch máu lưu thông tốt. Điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe nói chung, từ đó có thể giúp giảm triệu chứng ù tai nói riêng.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh ù tai

Thực phẩm chứa vitamin B12

Theo một nghiên cứu của Israel được công bố trên Tạp chí Tai Mũi Họng Mỹ chứng minh rằng chứng ù tai có liên quan đến thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể. Vì thế việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 như cá thu, cá hồi, gà, trứng là vô cùng cần thiết để cải thiện chứng bệnh ù tai.

Thực phẩm chứa bromelain

Bromelain được biết đến là một chất có tác dụng giảm sưng, viêm khá hiệu quả. Vì thế chất này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh ù tai cũng như viêm nhiễm do ù tai. Dứa là một thực phẩm chứa nhiều bromelain mà bạn nên bổ sung thường xuyên cho cơ thể.

Thực phẩm chứa kali

Loại bỏ các phần dịch thừa trong tai cũng là một cách giúp làm giảm chứng bệnh ù tai hiệu quả. Kali được chứng minh là chất có khả năng điều chỉnh các dòng chảy dịch trong cơ thể, từ đó sẽ hỗ trợ loại bỏ phần dịch thừa này trong tai. Một số thực phẩm chứa nhiều kali mà người bị ù tai nên ăn là mơ, khoai lang, lê, đu đủ, chuối, xoài, táo.

Thực phẩm chứa kẽm

Nguyên nhân gây nên hiện tượng ù tai cũng có thể là do cơ thể thiếu kẽm. Vì thế nếu bị ù tai bạn nên thường xuyên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều kẽm như các loại hạt, chocolate, sữa chua, thịt gà, thịt bò, thịt cừu.

Thực phẩm chứa folate

Folate là chất giúp cải thiện lưu lượng máu đến tai, cực kỳ hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng ù tai, đau tai, mất thính lực. Các thực phẩm như cải bó xôi, xà lách, bông cải xanh, măng tây và cải ngọt và những thực phẩm chứa nhiều folate giúp cải thiện tích cực bệnh ù tai.

Chế độ ăn cho người bệnh ù tai- Ảnh 3.

Việc áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp người ù tai cải thiện tình trạng bệnh.

3. Một số lưu ý nên tránh đối với người bệnh ù tai

Tuyệt đối tránh thức khuya, căng thẳng, stress.

Không để nhiễm lạnh (ví dụ: tắm, gội đầu muộn, nước không đủ ấm).

Hạn chế dùng đồ uống chứa cồn (rượu, bia), chất kích thích (caffein, nicotin...): Khi sử dụng quá mức, có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và góp phần gây ù tai.

Tránh ăn quá nhiều đạm trong 1 bữa ăn (gây tăng lượng ure trong máu đưa tới tai trong).

Tránh ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ (đặc biệt mỡ động vật) gây xơ vữa, hẹp lòng mạch máu.

4. Gợi ý những món ăn cho người bệnh ù tai

ThS.BS Nguyễn Hy Quang khuyến cáo, người bị ù tai nên bổ sung một số thực phẩm dưới đây:

Nước lọc

Cần uống đủ hoặc nhiều nước hàng ngày, trung bình 2 lít/ ngày.

Tỏi tốt cho người bị bệnh ù tai

Có khả năng tăng cường tuần hoàn máu và giảm tình trạng viêm. Trong tỏi chứa nhiều allicin, một chất có khả năng chống nhiễm trùng, kháng viêm, tăng cường chức năng hoạt động của tim mạch và cải thiện tuần hoàn máu đến tai giữa.

Ăn sống 2 - 3 tép tỏi tươi mỗi ngày hoặc thêm vào các món xào, đồ chấm chính là một giải pháp an toàn để cải thiện tình trạng ù tai và các vấn đề sức khỏe liên quan, chẳng hạn như viêm tai giữa.

Các loại hạt: Hạnh nhân, điều…

Hạnh nhân chứa hàm lượng cao vitamin E. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào thần kinh và các mô trong tai khỏi tổn thương do quá trình lão hóa.

Bên cạnh đó, hạnh nhân bổ sung nhiều chất béo lành mạnh và protein. Chúng tham gia vào quá trình kháng viêm và chữa lành tổn thương trong tai, qua đó cải thiện triệu chứng ù tai.

Với tác dụng tuyệt vời trên, hạnh nhân được khuyến cáo sử dụng trong bữa ăn của bệnh nhân bị ù tai, đặc biệt là người già. Người bệnh có thể ăn trực tiếp khoảng 23 hạt mỗi ngày hoặc sử dụng dưới các hình thức khác như xay sữa, làm bánh, trộn salad… Tuy nhiên, các trường hợp bị dị ứng với hạnh nhân không nên sử dụng.

Chế độ ăn cho người bệnh ù tai- Ảnh 5.

Người bị ù tai nên bổ sung các thực phẩm như các loại hạt, cá béo, rau, củ giàu kẽm, kali, vitamin,...

Các loại cá béo

Các loại cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích… cũng có lợi cho người bị ù tai. Chúng giúp cải thiện triệu chứng này bằng cách bổ sung omega 3, giúp ức chế phản ứng viêm trong tai, qua đó phục hồi và cải thiện chức năng thính giác.

Ngoài ra, omega 3 còn có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch, từ đó cải thiện lưu lượng máu tới tai trong, giảm bớt cảm giác ù tai khó chịu cho người bệnh.

Thực phẩm giàu kẽm

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể giúp giảm các triệu chứng của ù tai, đặc biệt là ở những người đang bị thiếu hụt chất này. Ngoài ra, kẽm còn giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm và tăng cường hệ thống miễn dịch, qua đó hỗ trợ điều trị các bệnh lý là nguyên nhân gây ù tai.

Người bệnh có thể cân nhắc bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm như: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt gia cầm, hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa,...

Chuối và các loại trái cây giàu kali

Chuối chứa nhiều kali giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Kali là khoáng chất quan trọng, giúp điều chỉnh lượng chất lỏng trong cơ thể và tai trong, duy trì chức năng thính giác. Người bị ù tai có thể ăn 1 - 2 quả chuối chín mỗi ngày để tăng cường bổ sung kali cho cơ thể.

Kali cũng được tìm thấy nhiều trong các loại trái cây như: Cam, dưa hấu, kiwi, đào, nho, lê, mận, dưa chuột…

Rau xanh đậm

Người bệnh không nên bỏ qua các loại rau có lá màu xanh đậm như cải bỏ xôi hay cải kale, au bina... Chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng như folate và vitamin K, có thể hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và nâng cao sức khỏe thính giác.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin B12

Vitamin B12 rất quan trọng đối với sức khỏe thần kinh và quá trình sản xuất tế bào máu. Thiếu hụt chất này có thể gây ra các vấn đề về thính giác, phổ biến nhất là ù tai.

Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn nên bổ sung vitamin B12 thông qua các thực phẩm như: Lòng đỏ trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt gà, cá mòi, gan bò,...

9 động tác thực hiện tại nhà giúp giảm ù tai9 động tác thực hiện tại nhà giúp giảm ù tai

SKĐS - Ù tai có thể dẫn đến mất ngủ, khó tập trung, trầm cảm, bực bội… Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện hiệu quả bài tập thở hay các biện pháp giúp đưa máu đến vùng đầu cổ có thể giảm bớt khó chịu do ù tai gây ra.


Diễm Hằng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn