Các nguyên nhân gây ù tai
Ù tai có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp ở những cá nhân tiếp xúc âm thanh lớn thường xuyên, có thể gây tổn thương các tế bào lông nhạy cảm ở tai trong. Hiện tượng này cũng do một số nguyên nhân khác như viêm mê nhĩ, lão hóa, căng thẳng, quá nhiều ráy tai, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh cảm thụ...
Các hoạt động như hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn hoặc cafein, sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau hoặc kháng sinh có thể khiến hiện tượng ù tai trở nên trầm trọng hơn.
Ù tai có thể do tai hoặc do các bệnh lý nội khoa khác: Đây là tình trạng ù tai hay gặp nhất, xảy ra khi không có âm thanh vật lý nào đến tai và chỉ có bệnh nhân mới nghe thấy.
Với các nguyên nhân do tai thì ù tai thường đi cùng với nghe kém, tuy nhiên cũng có thể gặp ở các bệnh nhân có sức nghe bình thường.Ngoài ra ù tai chủ quan có do liên quan đến các bệnh lý nội khoa khác, bao gồm: thiếu vitamin, thiếu kẽm, các bệnh lý như đột quỵ, đái tháo đường, tuyến giáp, tăng lipid máu và các rối loạn hệ thần kinh như bệnh xơ cứng rải rác, chấn thương vùng đầu hoặc viêm màng não.
Ù tai cũng có thể là biến chứng của một số loại thuốc điều trị gây độc đến tai như các thuốc nhóm NSAIDs, quinine, thuốc lợi tiểu quai, các thuốc điều trị ung thư như Cisplatin...
Ngoài ra, ù tai còn do nguyên nhân mạch máu, thường gặp nhất là dị dạng động tĩnh mạch. Các bất thường hệ mạch cảnh như xơ vữa động mạch, túi phình động mạch, u cuộn cảnh cũng gây ù tai theo nhịp mạch đập.
Tăng huyết áp nội sọ lành tính được xem là nguyên nhân lớn gây ù tai ở các phụ nữ trẻ, có thể phát hiện tình trạng này khi soi đáy mắt và thấy phù gai thị. Các nguyên nhân khác của ù tai khách quan không theo nhịp mạch đập bao gồm giật cơ tai giữa.
Ù tai có đáng lo?
Đa số bệnh nhân chỉ bị ù tai tạm thời lúc này hay lúc khác, đặc biệt sau khi tiếp xúc với âm thanh lớn. Khoảng 10% dân số bị ù tai kéo dài và khoảng 1 % bị ù tai nặng đến mức ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Tỉ lệ ù tai sẽ gia tăng theo tuổi, mặc dù ù tai cũng thường gặp ở trẻ em.
Ù tai có thể một bên, hai bên hoặc sâu trong đầu, đa số cảm thấy tăng lên khi trong không gian yên tĩnh. Cảm giác ù tai có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là tiếng róc rách liên tục hoặc từng cơn, tiếng chuông, tiếng huýt gió, tiếng vo ve.
Hầu hết các loại ù tai không gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chỉ gây khó chịu. Nhưng nếu ù tai to hoặc kéo dài có thể gây mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, khó ngủ, các vấn đề về trí nhớ và sự tập trung.
Nếu bị ù tai, nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem vấn đề gì đang xảy ra. Nhất là khi xuất hiện tình trạng sau:
- Thường xuyên ù tai.
- Ù tai kéo dài hoặc ngày càng nghiêm trọng.
- Ù tai ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự tập trung.
- Ù tai khiến bạn bị căng thẳng, lo lắng.
- Tiếng ù tai theo tiếng mạch đập.
- Ù tai sau chấn thương đầu.
- Ù tai kèm theo các triệu chứng nghe và tiền đình khác (nghe kém, áp lực tai, chóng mặt).
Điều trị ù tai
Phương pháp điều trị ù tai phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Nếu ù tai là do một số tình trạng bệnh lý gây ra thì việc điều trị bệnh sẽ giúp cải thiện tình trạng ù tai. Nếu ù tai là do tác dụng phụ của thuốc thì bác sĩ có thể thay đổi một loại thuốc khác cho bạn, nhưng đừng tự ý ngưng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.Phẫu thuật thường được thực hiện để điều trị ù tai, nhất là các ù tai có nguồn gốc cơ học hoặc ù tai kèm theo điếc dẫn truyền. Tùy vào nguyên nhân gây ù tai mà sẽ tiến hành các loại phẫu thuật khác nhau.
Các thuốc để điều trị ù tai gồm thuốc cắt đứt các cơ chế bệnh sinh tạo nên tiếng ù và thuốc giúp bệnh nhân giảm đi sự khó chịu đối với tiếng ù. Và cũng tùy vào nguyên nhân ù tai mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.