Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp
Vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh trên người. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số loài động vật khác như: bò, dê, cừu, chó, mèo,…
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.
Những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim.
Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh khá thường gặp.
Triệu chứng của bệnh do liên cầu lợn
- Thời gian ủ bệnh: Trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu (giết/mổ lợn, chế biến hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín,…).
- Giai đoạn khởi phát: Diễn ra 1-2 ngày với biểu hiện sốt cao, đau đầu, rét run, buồn nôn và nôn, hoa mắt chóng mặt, đau cơ khớp, đau bụng âm ỉ.
- Giai đoạn toàn phát: Xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đặc trưng là rối loạn tiền đình, giảm thính lực 1 bên hoặc 2 bên, run đầu chi, liệt thần kinh sọ.
- Triệu chứng khác: Suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi,…
Sau điều trị đặc hiệu, tình trạng sốt giảm dần rồi hết nhưng các triệu chứng thần kinh giảm đi khá chậm, có thể có di chứng giảm thính lực, rối loạn điều khiển phối hợp tư thế - động tác.
Nếu có tiền sử tiếp xúc trực tiếp lợn, ăn các đồ tái sống thịt lợn, lòng lợn, tiết canh…người dân nên lưu ý về triệu chứng của bệnh.
Bệnh viêm màng não do liên cầu lợn thường có các triệu chứng sau:
- Sốt cao kèm rét run
- Đau đầu, chóng mặt
- Buồn nôn và nôn
- Đau mỏi cơ
- Các dấu hiệu màng não: Co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi
- Điển hình là mất thính lực
- Phát ban ngoài da: Chấm xuất huyết, ban xuất huyết,..
- Hoại tử ngón tay và ngón chân
Phương pháp điều trị liên cầu lợn
Liên cầu khuẩn lợn có diễn biến rất nhanh, vì vậy cần phát hiện sớm và cách ly, điều trị tích cực cho bệnh nhân:
- Điều trị bằng kháng sinh, sau 2-3 ngày cần chọc dò dịch não tủy để đánh giá đáp ứng điều trị, sau đó điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và việc đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Sử dụng kháng sinh cho tới khi xét nghiệm dịch não tủy trở về bình thường (hoặc khi đủ 3 tuần). Phát hiện sớm các triệu chứng nặng, rối loạn đông máu, suy chức năng gan thận để có biện pháp xử trí kịp thời.
- Điều trị hỗ trợ bệnh nhân: Trường hợp bệnh nhân hôn mê: hỗ trợ hô hấp, đặt ống, thở máy sớm. Chống phù não, chống co giật, giảm đau, hạ sốt, chống loét và phục hồi chức năng.
Chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân bằng vỗ rung, phòng chống loét ép, đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, hướng dẫn và kết hợp người nhà vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân.
Lời khuyên bác sĩ
Để phòng chống liên cầu khuẩn lợn nói riêng các bệnh về truyền nhiễm nói chung cần kiểm soát việc chăn nuôi và giết mổ lợn tránh lây bệnh sang người.
- Không tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt lợn ốm/chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc. Nếu phải xử lý lợn ốm/chết thì cần mang đồ phòng hộ như găng tay, ủng, khẩu trang y tế,…
- Nên mua thịt lợn đã qua kiểm định, có nguồn gốc.
- Khi chế biến cần đảm bảo dụng cụ, nơi chế biến sạch sẽ, rửa tay sạch, có dụng cụ riêng chế biến thịt sống và thịt chín.
- Phải ăn thịt lợn chín hoàn toàn, không được ăn thịt lợn tái, tiết canh, nem chua,…
Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều trường hợp bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai. Điển hình gần đây có một bệnh nhân nam tên K.D, 50 tuổi, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.
Qua khai thác yếu tố dịch tễ được biết bệnh nhân là thợ xây, 2 ngày trước khởi phát bệnh, bệnh nhân có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi kết hợp thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán: viêm màng não do Streptococcus suis biến chứng điếc 2 tai. Sau 1 thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.