Như trường hợp của gia đình chị Minh Thư (Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Ngược lại với đứa con trai út luôn biết nghe lời, nhưng cô chị cả 12 tuổi thời gian gần đây lại luôn khiến chị phải đau đầu.
"Cả ngày con bé chỉ nói với vợ chồng tôi 2 – 3 câu, là những lúc chào đi học, chào khi về nhà, mời ăn cơm và xin phép khi ăn cơm xong. Càng ngày con càng ít nói hơn khiến tôi lo lắng. Tôi có hỏi cô giáo và bạn bè của con thì được biết, ở trường con vẫn bình thường, khá hoạt bát, vui vẻ, hòa đồng với bạn bè.
Nhiều lúc nhờ con làm hộ việc nhà nhưng con cũng lảng đi và không quan tâm, gọi không thưa, nhiều khi tôi tức quá cũng quát mắng và dọa đánh, nhưng cũng không ăn thua. Cứ ở nhà là suốt ngày thấy ngồi trong phòng, không học bài thì sẽ xem phim, xem điện thoại, đọc sách… chứ không xuống trò chuyện với bố mẹ bao giờ. Nhiều người bảo với tôi là "tuổi nổi loạn nó thế", chẳng biết có đúng hay không", chị Minh Thư chia sẻ.
Gia đình chị Quỳnh Anh (Hà Đông, Hà Nội) thời gian gần đây cũng rơi vào "bế tắc" khi đứa con trai duy nhất bỗng nhiên trở nên khó bảo. Chị cho rằng con mình là một đứa trẻ lì lợm và rất bướng bỉnh, có đánh, có mắng, có nhẹ nhàng như con vẫn cứ "trơ trơ", không thể dạy nổi.
"Tôi cảm thấy bất lực vô cùng, con tôi bắt đầu hư như vậy khoảng nửa năm trở lại đây. Con không quan tâm đến một việc gì, như một đứa trẻ không có cảm xúc vậy, hay cãi lời cha mẹ, cái gì cũng tự thích làm theo ý mình… Thậm chí đánh con, con cũng không khóc", chị Quỳnh Anh thở dài.
Cần làm gì với những đứa trẻ bướng bỉnh, lì lợm?
Theo Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương, người ta gọi những đứa trẻ như trên là những đứa trẻ có "trái tim nilon", chúng thường rất bướng bỉnh và cá tính. Những gì cha mẹ nói các con thường bỏ qua, giống như việc đổ nước lên chúng nhưng chúng lại khoác trên mình một tấm nilon rất lớn. Vì thế, chúng không thể nào bị ướt được.
Và với những đứa trẻ có "trái tim nilon" như vậy, nếu sử dụng cách quát mắng thông thường, ép vào "khuôn khổ" thì chắc chắn sẽ nhận lại thất bại.
"Bọn chúng miễn dịch với mọi lời quát mắng. Chúng xem ra còn khoái nghe giọng cao vút của bố mẹ, khoái ngắm những khuôn mặt cau có, đầy tức tối, giận dữ. Vậy nên, roi vọt, quát mắng hoàn toàn vô hiệu với những đứa trẻ này", TS. Vũ Thu Hương phân tích.
Tuy nhiên, TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, "trái tim nilon" có một yếu điểm, và cha mẹ cần lợi dụng điều này. Yếu điểm là bên trong lớp nilon có một trái tim vô cùng yếu đuối và cô đơn. Vì thế, chúng đòi hỏi tình cảm và sự thể hiện tình cảm của cha mẹ nhiều hơn tất cả. Nếu cha mẹ biết lợi dụng yếu điểm này, chắc chắn sẽ không có gì khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung với các bạn nhỏ cá tính, kể cả những đứa trẻ không "đổ vừa khuôn".
"Lúc này, một lá thư kể lể chuyện ngày xưa, kể lể việc đứa trẻ sinh ra được đón chào như thế nào, một kỉ niệm đáng yêu của con sẽ là món quà vô giá làm tan chảy hẳn một tảng băng đang vênh lên vì bướng bỉnh. Một mảnh giấy nhắn nho nhỏ vẽ trái tim với dòng chữ "Tất cả tình yêu của mẹ dành cho con" sẽ làm "trái tim nilon" tan chảy. Một món quà vô cùng bất ngờ như chiếc bánh gato đột nhiên được mua không nhân dịp gì cả và ghi dòng chữ "Tặng con yêu vì mẹ đột nhiên nhớ con vô cùng" sẽ khiến cho những tâm hồn cá tính trở nên ngoan ngoãn như những chú cừu non.
Những điều này cần được cha mẹ làm bằng cả trái tim. Nếu không, món quà không những sẽ trở nên vô giá trị mà còn làm tan tành mọi cố gắng, khiến khoảng cách với con bị đẩy xa hơn ngày trước rất nhiều", chuyên gia hướng dẫn.
Chuyên gia giáo dục cũng cho hay, đây là một phương thức kéo gần khoảng cách của cha mẹ với những đứa trẻ cá tính. Nhưng để thành công, phương thức này không thể làm một mình mà cần sự trợ giúp của nhiều phương thức khác nữa.
Đầu tiên, là mỗi gia đình cần có một luật lệ chung, các thành viên đều cần tuân thủ luật lệ này. Với những đứa trẻ cá tính, chúng sẽ rất dễ dàng nhận ra sự "vô lý" của cha mẹ khi bắt con làm điều gì đó mà bản thân lại không chịu làm.
Thứ hai, cần phải có sự công bằng tuyệt đối. Cha mẹ cần phải luôn luôn tạo một sự công bằng trong gia đình, như vậy sẽ khiến cho trẻ dễ dàng nghe theo yêu cầu của cha mẹ hơn. Không có những câu chuyện như "con lớn rồi nên phải chiều em" hay "bé được cho nhiều, lớn ít hơn"… như vậy nhiều đứa trẻ sẽ không chấp nhận.
Thứ ba, cha mẹ cần luôn phải biết nói lời xin lỗi và sửa sai. Nếu cha mẹ biết xin lỗi và sửa sai thì khi những đứa trẻ cá tính nhìn vào, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ biết điều nhất trong nhà. Cha mẹ không thể tránh được những sai lầm trong cuộc sống, và nếu không xin lỗi, không sửa sai, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra rằng cha mẹ chỉ bắt chúng xin lỗi, sửa sai nhưng họ thì không hề làm điều đó. Đây là một trong những lý do khiến trẻ dần trở nên bướng bỉnh hơn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Gia Tăng Người Cao Tuổi Nhập Viện Sau Tết Nguyên Đán I SKĐS