Thuốc điều trị bệnh suy tim trái

26-07-2024 15:44 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Khi phải dùng thuốc điều trị suy tim trái có nghĩa người bệnh phải xác định sống chung với bệnh. Thuốc trở thành người bạn đồng hành để cải thiện chức năng hoạt động của tim, giúp giảm thiểu số lần nhập viện...

1. Thuốc điều trị bệnh suy tim trái phổ biến

Về tổng thể, thuốc điều trị bệnh suy tim trái gồm các loại:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I).
  • Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ARB).
  • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin (ARNI).
  • Thuốc chẹn beta.
  • Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone.
  • Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2).

Một số nhóm thuốc khác trong điều trị suy tim trái như thuốc lợi tiểu quai, thuốc trợ tim glycosid, thuốc kháng đông, thuốc ức chế kênh IF.

2. Tác dụng thuốc điều trị bệnh suy tim trái

Các thuốc điều trị bệnh suy tim trái có những tác dụng cụ thể như sau:

Thuốc điều trị bệnh suy tim trái- Ảnh 1.

Có nhiều thuốc để điều trị bệnh suy tim trái.

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I): Gây giãn mạch máu, làm giảm cả tiền tải và hậu tải, giảm gánh nặng cho tim, thuốc giúp cải thiện tiên lượng và giảm triệu chứng ở bệnh nhân suy tim mạn.
  • Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ARB): Gần giống ACE-I, các thuốc ARB tác dụng lên hệ RAA dẫn tới giãn mạch, cải thiện chức năng tâm thất... Được chỉ định khi bệnh nhân không dung nạp với thuốc ACE-I hoặc không có khả năng điều trị với ARNI.
  • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin (ARNI): Tác dụng giảm huyết áp, tăng thải Natri, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và nhập viện do suy tim.

  • Thuốc chẹn beta: Thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị suy tim, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thuốc có tác dụng hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát nhịp tim, giảm áp lực trong tim.
  • Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone: Thuốc giúp làm giảm nguy cơ suy tim tiến triển, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân suy tim.
  • Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2): Thuốc được sử dụng trong điều trị đái tháo đường, làm tăng đào thải đường và muối qua nước tiểu bằng cách ức chế tái hấp thu glucose và Natri ở ống thận. Thuốc giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện chức năng tim, từ đó giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân suy tim.
Thuốc điều trị bệnh suy tim trái- Ảnh 2.

Bệnh nhân suy tim trái cần tuân thủ điều trị thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh suy tim trái

Đối với bệnh suy tim trái, khi sử dụng thuốc điều trị có thể có các tác dụng phụ như:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I): Tác dụng phụ là mệt mỏi, chóng mặt, ho khan, da ngứa hoặc phát ban, tiêu chảy.
  • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin (ARNI): Tác dụng phụ là mệt mỏi, chóng mặt, ho khan, da ngứa hoặc phát ban, tiêu chảy, hiếm khi sưng mặt, lưỡi, tay hoặc chân…
  • Thuốc chẹn beta: Tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim chậm.
  • Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone: Tác dụng phụ là gây nữ hóa tuyến vú (mô tuyến vú tăng sản ở nam giới) và đau vú ở nữ giới, chu kỳ kinh nguyệt không đều và chảy máu âm đạo sau mãn kinh, rối loạn chức năng cương dương.

4. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc điều trị suy tim trái

Các loại thuốc điều trị bệnh suy tim trái có một số chống chỉ định như sau:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I): Chống chỉ định đối với người huyết áp thấp, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai.
  • Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ARB): Chống chỉ định đối với người huyết áp thấp, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai.
  • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin (ARNI): Chống chỉ định đối với người có tiền sử phù mạch với thuốc ACEI, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai...
  • Thuốc chẹn beta: Chống chỉ định với người suy tim đang ở giai đoạn mất bù, nhịp chậm, hen phế quản...
  • Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone: Chống chỉ định với người suy thận nặng, tăng kali máu.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh suy tim trái

Khi sử dụng thuốc điều trị suy tim, người dùng cần đặc biệt lưu ý đến những điều sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng đúng loại thuốc, đúng tác dụng của thuốc. Sử dụng thuốc đúng liều, đúng thời gian chỉ định.
  • Nên hẹn giờ uống thuốc đúng giờ, tốt nhất là uống thuốc vào một thời điểm cố định hàng ngày để thuốc phát huy tốt nhất tác dụng hiệu quả.
  • Chú ý những tác dụng phụ của thuốc để có cách xử trí trong quá trình uống thuốc điều trị. Nên sử dụng cùng một loại thuốc biệt dược trong một giai đoạn điều trị.
  • Bảo quản thuốc đúng quy định để không làm mất tác dụng của thuốc.
  • Khi đã cần phải dùng thuốc điều trị suy tim có nghĩa người bệnh phải xác định sống chung với bệnh cả đời. Thuốc trở thành người bạn đồng hành để cải thiện chức năng hoạt động của tim, giúp người bệnh giảm thiểu số lần nhập viện. Nhất là đề phòng đột quỵ do suy tim, cải thiện chất lượng sống của người suy tim.
Thuốc điều trị bệnh suy tim trái- Ảnh 3.

Tập luyện phù hợp, thể dục dưỡng sinh là nguyên tắc cần thiết trong điều trị suy tim trái.

6. Các nguyên tắc điều trị bệnh suy tim trái

Điều chỉnh lối sống

  • Chế độ ăn giảm muối. Khi suy tim nặng lên, mất bù thì thực hiện chế độ kiêng muối tuyệt đối trong thời gian khoảng 1 - 2 tuần.
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Làm công việc phù hợp, tránh các công việc đòi hỏi phải gắng sức.
  • Tập luyện phù hợp, thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền. Những bệnh nhân bị suy tim mức độ nhẹ (NYHA I, II) có thể tập đạp xe, bơi, đi bộ. Nhưng dù tập môn gì cũng cần ghi nhớ 1 điều là không được gắng sức.
  • Tham gia sinh hoạt, giải trí ở hội, câu lạc bộ để nâng cao tinh thần lạc quan, tránh bi quan tiêu cực.

Điều trị bằng thuốc

  • Để điều trị suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân của bệnh sẽ có những phác đồ thuốc khác nhau.
  • Tùy bệnh cảnh lâm sàng còn dùng thêm 1 số thuốc khác như lợi tiểu khi có suy tim sung huyết (phù, gan to, ran ẩm ở phổi), Digoxine và kháng vitamine K khi có rung nhĩ, Nitrate và vận mạch trong cơn suy tim cấp.

Điều trị bằng dụng cụ hoặc phẫu thuật tùy nguyên nhân và giai đoạn

  • Mổ bắc cầu mạch vành nếu có hẹp mạch vành nặng không đặt stent được.
  • Mổ van tim nếu hẹp hở van tim nặng.
  • Đặt máy tạo nhịp, máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) hoặc máy phá rung cấy trong người (ICD).
  • Dụng cụ hỗ trợ thất hoặc tim nhân tạo trong sốc tim hay suy tim giai đoạn cuối.
  • Ghép tim.

Dự phòng suy tim

  • Trước hết, phải có lối sống lành mạnh, không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, không các chất kích thích. Tập thể dục và các môn thể thao vừa sức, nghỉ ngơi giải trí, tránh lối sống trì trệ.
  • Khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa tim mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị đúng các biến chứng suy tim, cũng như để quản lý và điều trị suy tim một cách hiệu quả.
  • Chiến lược điều trị suy tim thích hợp và hiệu quả nhất vẫn là phát hiện sớm và theo dõi, tuân thủ điều trị 1 cách chặt chẽ, đồng thời nâng cao nhận thức và có biện pháp để dự phòng suy tim. Đây là điều hết sức quan trọng.

Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhSuy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Suy tim trái xảy ra khi khả năng bơm máu của tim bị suy yếu khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Nếu không kịp thời điều trị, suy tim trái có thể dẫn đến nhiều biến chứng hoặc tử vong.


ThS.BS Lê Thị Thanh Thủy
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn