Cảo thơm lần giở: Trở về thuyết “trung dung”

04-08-2018 15:58 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - "Trung dung” là một khái niệm của Khổng học. “Trung” là giữa, không thiên lệch, không thái quá, không bất cập, tùy hoàn cảnh và thời thế mà xử sự cho thích đáng. “Dung” là không thay đổi, lúc nào cũng phải giữ vững, cũng có nghĩa là bình dị.

Trước một trật tự thế giới đảo điên như ngày nay, cựu linh mục dòng Phanxicô người Braxin là Leonardo Boff chủ trương nhân loại nên trở lại thuyết trung dung. Ông trình bày quan điểm của mình trong một bài viết cho tập san Lòng tin và phát triển (số 291-tháng 2/2001) do Trung tâm L.J. Lebret ở Thụy Sĩ xuất bản. Tập san này mỗi kỳ chỉ công bố một bài tư duy của một trí thức công giáo uyên bác, nhằm góp ý kiến xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình trong toàn cầu hóa.

Bài của L.Boff lấy đầu đề là: “Một đạo đức mới cho thiên niên kỷ thứ ba”. Luận văn này có những điểm cần bàn thêm. Nhưng tác giả có cái nhìn bao quát, nêu được những vấn đề thời sự của nhân loại bước vào thời đại toàn cầu hóa để chúng ta suy nghĩ.

Trước hết, tác giả cho biết, mặt trời và thái dương hệ cùng loài người sẽ không tồn tại vĩnh viễn. Trong 10 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ cạn dự trữ năng lượng (cạn hydrogène rồi helium). Vũ trụ và các sinh vật sẽ biến đi.

Hiện nay, hệ thống xã hội loài người đang đứng trước hai cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng xã hội, đối lập người giàu và người nghèo triệt để hơn bao giờ hết. Công nghệ tự động hóa cho phép sản xuất của cải và dịch vụ quá nhanh và quá nhiều; nhưng chỉ dành cho một thiểu số của một số ít nước và một số giai tầng xã hội cao trong các nước nghèo. Nhân loại sẽ phân đôi: một bên là những người hưởng những tiến bộ của công nghệ sinh học, giàu có, sống tới 120-130 tuổi; một bên là đại đa số người nghèo, thiếu đủ thứ, chết sớm. Điều quan trọng nhất là không có tình đoàn kết, bận tâm đến đồng loại. Cái logic của hệ thống toàn cầu hiện nay là dồn của cải cho cá nhân, tạo chế độ tư nhân sở hữu hóa của cải do lao động mọi người tạo ra. Chúng ta phải chờ đợi sự bùng nổ và phá hoại kinh khủng của những dân tộc phương Nam và những tầng lớp nghèo kém không can tâm khoanh tay chờ chết dần.

Cuộc khủng hoảng môi sinh do hệ thống xã hội thế giới gây ra vì đẩy mạnh tối đa việc tiêu thụ các nguồn thiên nhiên và văn hóa. Bộ máy phá hoại thiên nhiên do phương Tây khởi động từ năm thế kỷ nay đã tác động đến toàn cầu liệu còn “phanh” được không?

Khó vô cùng vì hệ thống toàn cầu đang lao loài người xuống vực. Nó gây gổ và huênh hoang; rất có thể, sự cáo chung sẽ là kết quả sự đổ vỡ cả hệ thống kinh tế và tài chính thế giới hiện đương là nòng cốt sức sống của các xã hội. Đến lúc đó, người ta sẽ phát hiện ra, quá muộn, sự mất thăng bằng giữa những vốn có sản xuất (khoảng 35 nghìn tỷ đô-la) và những vốn đầu cơ (khoảng 80 đến một trăm nghìn tỷ đô-la) chỉ có trên giấy tờ. Khi khủng hoảng nổ ra, hàng triệu người sẽ mất hết, tất cả cùng lao đao. Khủng hoảng môi sinh (sinh thái) cũng có thể nổ ra do nhiều nguyên nhân liên quan đến khí hậu, nhịp điệu bốn mùa, nguồn nước uống, chất thải nguyên tử, sự xuất hiện một loại vi trùng giết chết hàng triệu người một lúc.

Tóm lại, có nên phiền não về những nỗi cơ cực của chúng ta không? Toàn cầu hóa, với sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt, chứng tỏ sự bất lực của thế giới, không giải quyết được khủng hoảng. Nếu tai họa trên trái đất xảy ra, thì phần còn lại ít ỏi của nhân loại có thể xây dựng lại một nền văn minh mới tôn trọng cuộc sống hơn.

Chúng ta đang tập hợp dưới một mái nhà chung cho cả nhân loại. Chúng ta phải vượt được mô hình văn minh ngày nay dựa trên chia rẽ và đối kháng. Chúng ta phải tiến đến một nền cộng hòa thế giới, dựa vào các khoa học trái đất để quản lý các nguồn lợi thiên nhiên một cách hữu hiệu cho mọi người đang sống và sẽ sống.

Như vậy, cần có một ý thức tâm linh có tính chất xã hội và vũ trụ để cả cộng đồng con người tồn tại. Đạo đức mới phải được xây dựng trên hai giá trị. Một là trung dung, nguyên tắc đã khiến cho vũ trụ và cuộc sống tồn tại đến ngày nay. Trung dung là sự cân bằng giữa cái quá nhiều và cái quá ít. Người cổ Hy Lạp, cổ La Mã, cổ Trung Hoa đều nghĩ vậy. Tiêu thụ vừa phải để các nguồn thiên nhiên còn tái tạo kịp. Giá trị thứ hai là mối bận tâm cơ bản, nghĩa là yêu và quan tâm đến mọi người, sinh vật và cả trái đất. Theo triết gia Heidegger, bản chất con người là mối bận tâm ấy.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn