Cảo thơm lần giở: Dylan nghĩ gì?

19-02-2018 09:10 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Các cụ ta ngày xưa thường nói: “Xướng ca vô loài”. Những người làm nghề hát xướng, kể cả những người biểu diễn sân khấu (sân khấu cổ chủ yếu là hát) đều bị xếp vào loại cùng dân, không được coi là người tử tế.

Đào Duy Từ (1572-1634) do cha làm quản giáp trong đội nữ nhạc bị coi là nhà ca xướng, nên học giỏi mà không được đi thi. Các cô đào bị coi là con hát (thú vui Con hát lựa chiều cầm xoang - Nguyễn Khuyến). Đến nay, nhất là từ thời Đổi mới, các ca sĩ đã “lên ngôi” và được trọng vọng, “hái ra tiền”.

Dylan trên sân khấu Liên hoan Azkena Rock Festival, Vitoria-Gasteiz, Tây Ban Nha ngày 26/6/2010.

Dylan trên sân khấu Liên hoan Azkena Rock Festival, Vitoria-Gasteiz, Tây Ban Nha ngày 26/6/2010.

Ở phương Tây thì những ca sĩ từ lâu đã được dư luận coi là những nghệ sĩ tài hoa và được coi trọng không kém gì những nhân vật xuất sắc ở mọi ngành. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhờ phóng viên báo Humanité, thường trú ở Việt Nam gửi cho mấy đĩa hát của ca sĩ nổi danh Pháp Maurice Chevalier. Nhưng dù ở các nước Âu - Mỹ, tuy được trọng vọng, nhưng những nhà sáng tác bài hát không được xếp vào loại các nhà sáng tác văn học.

Do đó, việc Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng cho ca sĩ Mỹ Bob Dylan Giải thưởng Văn học Nobel đã là một sự bất ngờ gây ra nhiều tranh luận.

Bob Dylan (Đai-lơn, sinh năm 1941) là một nghệ sĩ đa tài, ca sĩ, nhạc sĩ, tác giả lời ca khúc tự hát, nhà văn, nhà thơ Mỹ. Ông nổi tiếng do đã giành được nhiều giải thưởng giá trị: Grammy, Oscar, Pulizer thuộc các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, báo chí văn học. Từ 1997, ông được đề cử vào Giải Nobel Văn học. Sau 54 năm hoạt động nghệ thuật - văn học, mãi đến 75 tuổi ông mới được trao Giải Nobel.

Mặc dù ca từ trong sáng tác của ông giàu chất thơ, nhưng số người hâm mộ ông với tư cách là ca sĩ, nhạc sĩ nhiều hơn hẳn số người biết ông là thi sĩ.

Một số người cho là Bob Dylan không có tác phẩm văn học nào xuất sắc và chất lượng văn học trong ca từ của nhóm nhạc Beatles còn xuất sắc hơn, rằng ca từ của Dylan quá giản đơn.

Nhưng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã có những lập luận vững chắc để quyết định trao Giải thưởng Văn học Nobel cho Dylan: “Dylan đã cống hiến trong nỗ lực tạo ra cách thức mới thể hiện thi ca trong ca khúc truyền thống Mỹ”. Znak Terzy Illy, nhà phê bình văn học Ba Lan nhận định: “Dylan có khả năng sáng tạo phi thường, biết kết hợp hài hòa những trào lưu nghệ thuật rất khác nhau”. Ông cho Dylan là người hùng trong thi ca của thế hệ mình: thái độ phản chiến, tình yêu, nỗi thất vọng,... âm hưởng của Rimband, Apollinaire và các thi sĩ Mỹ tiền bối.

TS. Waestberg thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết: “Cũng như các lĩnh vực khác, trong việc tôn vinh giải Nobel Văn học, các chuyên gia bắt buộc phải trải qua quá trình làm việc hết sức nghiêm túc”.

Bài Đang bay trong gió là một bài ca vào loại nổi tiếng nhất của Dylan, hát vào năm 1963 ở Mỹ trước một đám thính giả khổng lồ. Bài hát được truyền đi rộng rãi và trở thành một vũ khí phản chiến có hiệu quả, đúng vào thời điểm cao nhất của chiến tranh lạnh và Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam.

Về ý nghĩa bài hát, có nhiều quan niệm khác nhau. Có thể đây chỉ là một bài ca phản chiến, đề cao hòa bình và dân chủ, chống phân biệt chủng tộc. Nhưng cũng có ý kiến cho là bài ca mang tính triết lý sâu sắc hơn, nói về cuộc thay đổi tang thương của vũ trụ, lẽ vô thường như của Phật giáo, hoặc lòng cảm thương số phận con người. Khi hỏi ý kiến Dylan về những nhận định ấy thì ông không trả lời dứt khoát, tùy theo nhận thức của người nghe.

Sau đây là bản lược dịch bài Đang bay trong gió:

Biết bao con đường một con người phải đi qua để trở thành một người?

Phải bay qua biết bao nhiêu biển khơi để bồ câu trắng ngủ vùi trong cát?

Vâng, phải biết bao nhiêu đạn đại bác bay trước khi chúng bị cấm vĩnh viễn?

Bạn hỡi, câu trả lời đang bay trong gió.

Câu trả lời đang bay trong gió.

*

*       *

Vâng, và phải biết bao nhiêu năm ngọn núi đứng sừng sững cho đến khi trầm mình trong biển cả?

Vâng, phải biết bao nhiêu năm thì một số người có mặt trên trái đất mới được hưởng tự do?

Vâng, đã bao nhiêu lần có người ngoảnh đầu đi làm như không thấy?

Bạn hỡi, câu trả lời đang bay trong gió.

Câu trả lời đang bay trong gió.

*

*        *

Vâng, mất bao nhiêu lần người ta phải ngẩng đầu lên để cuối cùng mới nhìn thấy bầu trời?

Vâng, và phải có bao nhiêu tai để có thể nghe được tiếng khóc than của con người?

Vâng, và phải biết bao nhiêu cái chết nữa để cuối cùng ta nhận ra là có quá nhiều người chết?

Bạn hỡi, câu trả lời đang bay trong gió.

Câu trả lời đang bay trong gió.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: