Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Poe nghĩ gì?

26-02-2018 10:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kỳ II: Tiếp theo số 28

Edgar Poe (Pâu, 1809-1849) đã dùng những thủ thuật được cân nhắc kỹ khi sáng tác bài thơ Con quạ: điệp khúc “nevermore” có âm hưởng u buồn, tuyệt vọng; với âm tiết vang rền, nhịp điệu nức nở, con quạ trong óc tưởng tượng của dân gian là con chim của điềm gở và tang tóc, gắn với hình ảnh thịt nát xương tan, tình tuyệt vọng với người đã khuất, âm dương cách trở mà tình vẫn ở tuyền đài không tan... Do ý đồ kỹ thuật thơ hơi quá đậm, ý đồ tượng trưng khá lộ liễu nên bài thơ thiếu cái hồn nhiên và thuần khiết của một số bài thơ đơn giản hơn như Thơ gửi người ở thiên đàng (To One in Paradise), khóc người yêu đã khuất, và Annabel Lee (Anabol Li, 1849) cũng cùng một đề tài.

Edgar Poe (1809-1849).

Edgar Poe (1809-1849).

Annabel Lee là một cô bé sống ở bờ biển một thời xa xôi cùng tác giả lúc đó cũng còn bé. Tình yêu của hai trẻ thật trong đẹp. Gió bấc lạnh lùng đã mang mất Annabel đi. Nhưng đôi tâm hồn không bị một trở lực nào ngăn cách. Mặt trăng mang đến những giấc mơ của nàng, sao lấp lánh như mắt nàng; chàng qua những đêm giá lạnh trong mộ nàng. Bài thơ buồn nhè nhẹ về kiếp hồng nhan ngắn ngủi - đề tài ưa thích của Poe, ấp ủ một nỗi buồn dìu dịu như một bản dân ca.

Edgar Allan Poe xuất thân từ một gia đình làm nghề diễn kịch lưu động. Ông mồ côi sớm: cha mẹ chết vì bệnh lao. Ông rất xúc động khi mẹ mất, nên trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời, luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết và luôn luôn có tâm trạng thần bí, bi quan, có khuynh hướng tìm cái dị thường, cảm giác siêu nhiên, huyền ảo, kinh dị.

Năm lên hai, ông được vợ chồng nhà buôn giàu có John Allan (Gion Alon) nuôi. Ông được sống cùng ở Anh từ năm lên 6 đến năm 11 tuổi, sau đó được đi học đại học ở Mỹ. Năm 14 tuổi, ông làm tập thơ đầu tiên tặng người yêu là mẹ một người bạn. Năm 18 tuổi, ông bỏ học vì bị bố nuôi cho là lười biếng. Ông bỏ tiền ra xuất bản tập thơ Tamoclayno và các bài thơ khác (Tamerlane and other poems, 1827) năm 18 tuổi. Năm 27 tuổi (1836), ông lấy cô em họ mới có 13 tuổi. Những năm 1831-1833, ông sống túng thiếu nhưng viết nhiều, viết phê bình, xã luận, truyện ngắn và thơ cho tạp chí. Những truyện của Atho Godon Pym (1837) đưa ra một thứ hiện thực kỳ dị gần với mộng ảo. Sau đó là truyện Nhà Aso suy sụp, Những vụ giết người phố Moocgo, ông được coi là người xây dựng lý luận về truyện ngắn. Bài thơ Con quạ xuất hiện năm 1845 trong một tuyển tập thơ. Năm 1847, vợ ông mất sau 11 năm chung sống, ông viết tặng nàng Annable Lee. Là nhà phê bình, ông phê phán dữ dội, thí dụ: cho Longfellow là “sao chép” nên gây nhiều thù oán. Nghiện rượu, tâm thần bất định, bị động kinh, bị chứng hoang tưởng, không có lợi nhuận thường xuyên, ông sống cơ cực, rất đau buồn vì vợ chết, tìm an ủi ở một số bạn gái, định tự tử, muốn lấy vợ lại và chết sau khi say rượu nằm ở ngoài phố.

Việc đánh giá Poe rất khác nhau sau khi ông mất, mặc dù ông được công nhận là một tác giả lớn. Nói chung giới phê bình Anh - Mỹ có đôi chút dè dặt, cho sáng tác của Poe mang tính chất kỹ xảo điêu luyện hơn là mang dấu ấn thiên tài xuất thế. Trái lại, một số nhà thơ Pháp như Baudelaire (Boodolero), người dịch đa số tác phẩm của E.Poe, Mallarmé (Malacme), Valéry (Valeri) hết sức đề cao ông. Trường phái thơ tượng trưng Pháp tự coi là đồ đệ của Poe, trường phái này lại ảnh hưởng lại trào lưu Anh - Mỹ đề cao hình ảnh (Imagism) vào những năm 1909-1917. Những nhà thơ Anh như Swinburn (Xuynhbocno), Wilde (Oaildo), Rossetti (Roxeti), Yeats (Yits) cũng tôn sùng Poe. Nhà tâm thần học Freud (Phroid) và các đồ đệ của ông chú ý đến những yếu tố chết chóc và bệnh lý có khi xa đích trong sáng tác của Poe. Cũng có những truyện của Poe báo hiệu chủ nghĩa hiện sinh. Trong lý luận văn học, Poe chủ trương “Nghệ thuật vì nghệ thuật”.

Sau đây là một số suy nghĩ của Poe:

Coi thường tham vọng hẳn là một trong những nguyên tắc chủ yếu để đạt được hạnh phúc ở thế giới này.

Chúng ta sắp sửa tỉnh giấc khi chúng ta mơ là chúng ta mơ.

Đối với nhiều người tầm thường, vu cáo một vĩ nhân là cách nhanh nhất để đến lượt mình cũng thành vĩ nhân.

Sự ngu dốt là một ân huệ, nhưng để cho ân huệ ấy hoàn hảo thì sự ngu dốt phải cùng cực đến mức bản thân kẻ ngu dốt cũng không hề ngờ là mình ngu dốt.

Muốn được sung sướng đến một điểm nào, cần phải đã đau khổ đến điểm ấy.

Nỗi kinh hoàng và sự định mệnh ngự trị trong tất cả các thế kỷ.

Ý thức chắc chắn về tội lỗi của một hành động nhiều khi lại là lực lượng duy nhất và bất khả kháng khiến người ta thực hiện hành động ấy.

Tóc màu hoa râm là những tư liệu lưu trữ của dĩ vãng.

Từ vô tận, cũng như những từ Thượng đế, tinh thần và một vài từ khác, đều có những từ tương tự trong mọi ngôn ngữ, đều không thể hiện một tư tưởng, mà chỉ là sự cố gắng nhằm thể hiện tư tưởng ấy.

Mọi vận động dù thuộc bản chất nào đều mang tính sáng tạo.

Những người nửa tỉnh nửa mơ nhận thức được hàng nghìn sự việc mà những người mơ trong khi ngủ không thể ý thức được.

Con rùa chân đi vững chắc. Phải chăng viện lý do ấy mà cắt cánh của con diều hâu chăng?


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: