Cảo thơm lần giở: Obama nghĩ gì?

03-03-2018 07:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ khi ra đời, quốc gia Hoa Kỳ đã nêu cao lý tưởng bình đẳng và tự do trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, mà bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã trích dẫn pho tượng khổng lồ Nữ thần tự do trấn cửa ngõ nước Mỹ, là biểu tượng khẳng định tuyên ngôn trên.

Nhưng trên thực tế, quá trình lịch sử thể hiện lý tưởng tự do và bình đẳng, nghĩa là thể chế hóa dân chủ là một cuộc đấu tranh nội bộ 200 năm gian khổ, cho đến nay vẫn tiếp tục, có khi đẫm máu, kể cả nội chiến.

Barack Hussein Obama ( 1961) là Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào chức vụ này.

Barack Hussein Obama ( 1961) là Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào chức vụ này.

Bà bạn tôi, nhà văn nữ Mỹ Lady Borton bình luận: “Những người sáng lập Hoa Kỳ, những người đã ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập lúc đó là những người giàu nhất đất nước. Động cơ cách mạng thực tế của người Mỹ lúc đó là mong muốn không phải trả thuế cho chính quốc Anh. Họ đã tạo nên một quốc gia trong đó chỉ có họ, những người giàu, da trắng, có “của cải đất đai”, có quyền bầu cử. Người Mỹ gốc Phi lúc đó là nô lệ cho các ông chủ mà chính vị Tổng thống đầu tiên của chúng tôi - George Washington, cũng là một ông chủ. Phụ nữ không có quyền bầu cử. Người châu Á đã là những đối tượng của sự kỳ thị nghiệt ngã: Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) thời trẻ ở Mỹ năm 1913 hẳn đã thấy rõ điều này? Phải có một cuộc chiến tranh kéo dài mới bỏ được chế độ nô lệ thống khổ của người da đen. Nhưng nạn phân biệt chủng tộc vẫn kéo dài. Những năm 60 của thế kỷ trước, vào tuổi thanh niên, tôi đã từng chứng kiến tệ nạn ấy. Tôi học ở trung học, hoàn toàn không có học sinh da đen và học sinh châu Á nào được phép học cùng lớp với học sinh da trắng. Người da đen cũng không được phép ngồi ăn tại các quầy ăn trưa của các tiệm ăn công cộng nằm trong tầm nhìn của Thủ đô chúng tôi. Người da đen có thể lên xe buýt, nhưng phải ngồi cuối xe. Mọi tòa nhà công cộng và các cửa hàng lớn đều có hai khu vệ sinh nam và nữ. Chúng được phân chia và ghi biển “da trắng” và “da màu”. Lại còn có hai vòi nước riêng rẽ nằm cạnh nhau trên đó ghi rõ da trắng và da màu. Qua 200 năm, lý tưởng tự do và dân chủ đã ghi được nhiều thắng lợi cơ bản. Trong hai thập kỷ vừa qua, có những thắng lợi bất ngờ so với thời thanh niên và trung niên của tôi. Có một sự thay đổi khiến tôi sửng sốt là khi nhớ lại tình hình xã hội Mỹ thời trẻ, người dân Mỹ, kể cả da trắng và da màu đã đồng tình bầu một người da màu là Obama lên làm Tổng thống”.

Sau đây là một số suy nghĩ của Obama (O-ba-ma, 1961):

Tôi không chống lại tất cả các cuộc chiến tranh, tôi chỉ chống lại những cuộc chiến tranh ngu xuẩn.

Trong tất cả các nước châu Mỹ Latinh, chế độ dân chủ đã thay chế độ độc tài. Đã đến lúc sự kiện đó cũng phải xảy ra ở Cuba.

Chính thể tự trị và độc lập có thể biến thành sự ích kỷ và tự do vô tổ chức, tham vọng vơ vét, ước mong thành công bằng bất cứ giá nào.

Có sự thay đổi vì nhân dân Mỹ đòi hỏi như vậy, vì họ trỗi dậy và đề cao những tư tưởng mới và những nhà lãnh đạo mới, một chính sách mới cho một kỷ nguyên mới.

Người Mỹ lựa chọn niềm hy vọng chứ không phải sự sợ hãi.

Những giá trị của chúng ta khiến chúng ta phải quan tâm đến những người mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp.

Mỗi con đường dẫn đến sự hiểu biết có những quy tắc khác nhau và những quy tắc ấy không thể hoán đổi cho nhau được.

Chúng ta cần phải hành động, tuy biết rằng công việc của chúng ta sẽ không hoàn hảo vì chúng ta biết rằng di sản phong phú của chúng ta là một sức mạnh, chứ không phải là một sự hèn yếu.

Vị thế hiện tại của mình không quyết định được nơi mình sẽ kết thúc.

Không thể viện cớ gì để không bắt đầu thử làm.

Các bạn có khả năng và năng khiếu để làm tất cả những gì mình muốn. Đã đến thời điểm các bạn thay đổi thế giới. Đúng thế, chúng ta có thể làm được.

Đây là nhiệm vụ ưu tiên của chúng ta: săn sóc trẻ em.

Một quốc gia không kiểm soát được những nguồn năng lực của mình thì cũng không thể kiểm soát được tương lai của mình.

Có một quy tắc cơ bản làm cơ sở cho tất cả các tôn giáo: đối xử với những người khác như mình muốn người ta đối xử với mình. Chân lý ấy vượt qua ranh giới giữa các quốc gia và các dân tộc. Đó là một tín điều chẳng có gì là mới mẻ, một tín điều không màu đen, màu trắng và màu nâu; không riêng gì cho đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, hoặc đạo Do Thái. Đó là một sự tin tưởng đã thổi hồn cho cái nôi của nền văn minh và khiến cho hàng tỷ trái tim con người vẫn đang đập đồng điệu.

Mạnh dạn trong niềm hy vọng, đó là cái hay nhất của tinh thần người Mỹ, mạnh dạn tin tưởng, mặc dù có những dấu hiệu tiêu cực, là chúng ta có thể tái tạo ý thức cộng đồng trong một quốc gia bị xâu xé; mạnh dạn tin tưởng là mặc dù bị những thất bại cá nhân như thất nghiệp, có người ốm đau trong gia đình hay một gia đình chìm đắm trong nghèo nàn - chúng ta vẫn phần nào có những khả năng chế ngự và như vậy có trách nhiệm đối với vận mệnh của mình.

PHỤ LỤC

OBAMA NÓI GÌ Ở HÀ NỘI

Phát biểu tại Tiệc chiêu đãi Nhà nước ở Hà Nội ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Obama nhận định:

“Tôi được biết dân tộc Việt Nam luôn lấy nguồn cảm hứng từ hoa sen, bởi lẽ hoa sen mọc từ trong bùn, đầy gian khó, nhưng nó chính là biểu tượng của hy vọng. Nó sống và vươn lên ở những nơi mà các loại hoa khác không thể tồn tại, vì thế nó là biểu tượng của sức mạnh và sự can trường. Nó tỏa hương và khoe sắc, vì vậy nó chính là biểu tượng cho cái đẹp”.

Ông nhấn mạnh:

“Hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở khán phòng này để bày tỏ sự tôn kính với những người đã dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt - Mỹ đi lên từ một quá khứ không vui của chiến tranh, trở thành đối tác toàn diện và tôi tin mối quan hệ ấy sẽ còn tiếp tục mạnh hơn nữa trong tương lai”.

“Tôi muốn đến Việt Nam từ lâu, nhưng người Mỹ có một câu thành ngữ khá nổi tiếng - “dành những gì tốt đẹp nhất cho điều cuối cùng”.

Phát biểu trước 2.000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa ngày 24/5/2016:

“Bài học của chúng ta trong chiến tranh, trong quá khứ cũng là bài học của nhân loại. Chúng ta cũng thấy một điều có tính nguyên lý là độc lập, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí lên Việt Nam và số phận của Việt Nam là do người Việt Nam quyết định”.

“Tôi đã công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhờ đó, Việt Nam có thể có được các vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong rằng điều này sẽ thể hiện rõ mong muốn của Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ hoàn toàn đối với Việt Nam”.

“Chúng ta là hai nước độc lập và có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ. Với biển Đông, Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp hòa bình và theo luật pháp quốc tế”.

“Như những cây tre, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam đã thể hiện, như trong thơ Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành đã định tại sách trời”.

“Tương lai Việt Nam nằm trong tay người Việt Nam. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn cũng như sau này các bạn sẽ nhớ về khoảnh khắc tôi đứng ở đây, trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói “Rằng trăm năm nữa từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

“Trong chuyến thăm, tôi cảm nhận được sự thân thiện. Sự thân thiện đã chạm tới trái tim của tôi. Hôm qua, tôi tới thăm phố cổ và ăn một món ăn, như bún chả và uống bia Hà Nội. Tôi cũng chưa bao giơ thấy nhiều xe máy như vậy và khi quay lại chắc tôi sẽ biết cách đi đường như thế nào”.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn