'Canh bầu' ở bản bán bào thai

17-05-2022 18:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Để chặn đứng nạn bán bào thai ở bản vùng cao xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) các chiến sĩ công an phải ngày đêm "canh bầu". Mọi người gọi vui các anh là cán bộ dân số thôn bản…

"Canh bầu..."

Đầu giờ chiều, Thiếu úy Chích Văn Phươn – Công an viên xã Hữu Kiệm chở chúng tôi vượt mấy quả núi để vào bản Đỉnh Sơn 2. Thiếu úy Phươn nói: "Hôm nay ở bản diễn ra lễ ra mắt mô hình phòng chống mua, bán người. Tranh thủ vào sớm một chút tôi còn đi thăm hỏi mấy chị em mang bầu ở bản rồi vào tổ chức lễ cho kịp".

"Canh bầu" ở bản bán bào thai  - Ảnh 1.

Thiếu úy Chích Văn Phươn kể về chuyện đi "canh bầu".

Tới đầu bản, Thiếu úy Phươn dừng xe, mở cuốn sổ "danh sách có bầu" để xem. Danh sách được đánh số thứ tự cẩn thận rồi đến tên, tuổi, năm sinh và cuối cùng là số tháng mang bầu. "Hiện ở bản Đỉnh Sơn 2 có 4 chị em mang bầu từ 4-10 tháng. Đỉnh Sơn 1 có một người mang bầu 6 tháng. Cứ mỗi tuần tôi vào 1-2 lần để kiểm tra. Tranh thủ có dịp gì ở bản cũng vào hỏi thăm sức khỏe các chị. Công việc này khiến mọi người gọi vui tôi là cán bộ dân số"– anh Phươn cười nói.

Vào thăm hỏi chị Lữ Thị T. (SN 1997, mang thai 4 tháng), Thiếu úy Phươn lại rút sổ đánh dấu rồi lên xe chạy đến nhà Cụt Thị Gi. (SN 2002, mang thai 7 tháng), Vi Thị Đ. (SN 2004, mang thai 5 tháng)… Cứ lần lượt, nhà các thai phụ được anh Phươn đến thăm hỏi. "Không những hỏi thăm để theo dõi sát các thai phụ mà chúng tôi cũng tranh thủ để tuyên truyền, giải thích cho bà con ở đây hiểu rõ việc bán con là vi phạm pháp luật, trái với đạo lý. Phải chặn đứng vấn nạn này" – anh Phươn kể.

Hỏi vui về việc anh thường xuyên vào bản thăm các chị em mang bầu thì có bị vợ ghen hay không? Anh Phươn cười: "Không có chuyện này đâu. Vợ tôi rất hiểu việc này và luôn ủng hộ. Nhiều khi vợ tôi còn nói vui "chăm chị em trong bản còn chăm hơn vợ lúc bầu".

"Canh bầu" ở bản bán bào thai  - Ảnh 2.

Lễ ra mắt mô hình Phòng chống mua bán người ở bản Đỉnh Sơn 2.

Những lần đi thăm chị em mang bầu, anh Phươn đều chuẩn bị ít đồ ăn, hoa quả. Anh phải bỏ tiền túi để chuẩn bị những phần quà này. "Đôi lúc mình cũng mất nhiều tiền chứ. Mỗi bản 5-6 thai phụ thì có tháng phải âm cả vào tiền lương. Nhưng có như vậy thì dân bản mới cởi mở việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều" – anh Phươn kể.

Ngày các thai phụ chuyển dạ, anh Phươn luôn có mặt sớm nhất. Trên tay anh luôn là dây sữa, hoa quả để chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới. "Ngày đó vui lắm. Kiểu gì khi hết giờ làm việc thì gia đình thai phụ sẽ mời tôi đến uống rượu đến say mới về" - anh Phươn kể.

Chắn đứng nạn bán bào thai

Nạn bán bào thai được các cơ quan chức năng phát hiện tại bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 của xã Hữu Kiệm và bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn vào năm 2018. Thời điểm đó, bản Đỉnh Sơn 1 có 12 người đi bán bào thai. Từ nhà cuối bản đến đầu bản đều có người bán con. Con số này của cả xã là 21 người. Điểm chung của họ là không biết chữ, nhận thức về xã hội, pháp luật rất hạn chế.

Đặc biệt, những trường hợp bán con trong bào thai xong trở về được là rất may mắn vì những người phụ nữ mang thai sau 6-7 tháng phải di chuyển đoạn đường rất dài khi qua sông nước, khi qua đồi núi để vượt biên rất nguy hiểm. Đã có bà mẹ tử nạn khi vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai.

"Canh bầu" ở bản bán bào thai  - Ảnh 3.

Bản Đỉnh Sơn 2.

Vụ tai nạn này xảy ra tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) vào ngày 20/9/2018. Trên chuyến xe gặp nạn này có bốn thai phụ ở huyện Kỳ Sơn và người dắt mối đi bán bào thai. Trong đó, chị Moong Thị L. (29 tuổi) ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu tử vong tại chỗ.

Nhắc đến chuyện này, ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết, giờ trên địa bàn không còn chuyện này nữa. Ngoài việc các chiến sĩ công an ngày đêm "canh bầu" thì các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của dân bản.

Tổ chức chiếu các đoạn phim ngắn về tình mẫu tử, về những đứa trẻ không cha, không mẹ phải đi lang thang kiếm ăn đã khiến nhiều chị em ở các bản có vấn nạn này rơi nước mắt. Nhận thức của người dân dần thay đổi nhưng không có kinh tế thì ngăn chặn vấn nạn này không bền vững được.

Ông Hà nhấn mạnh: "Nhiều giải pháp phát triển kinh tế cho bà con ở đây đã được khởi động nhưng chưa có chuyển biến rõ nét. Riêng việc kêu gọi các công ty đến tuyển dụng bà con ở đây đi làm công ty là hiệu quả nhất. Chúng tôi đang lên kế hoạch cụ thể để kêu gọi càng nhiều công ty đến tuyển dụng bà con ở đây. Người dân có kinh tế thì vấn nạn bán bào thai chắc chắn sẽ bị chặn đứng".

Hơn 9.000 cuộc gọi khẩn cấp hỗ trợ nạn nhân mua bán ngườiHơn 9.000 cuộc gọi khẩn cấp hỗ trợ nạn nhân mua bán người

SKĐS - Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người đã tiếp nhận 9.145 cuộc gọi trong 3 năm qua, trong đó có 165 nạn nhân đã được giải cứu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nghiên cứu mới: Tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể “thát nổ” như thế nào? | SKĐS



V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn