Hà Nội

Hà Nội: Triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người

29-06-2019 20:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Ban chỉ đạo 138 TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCĐ về triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2019.

Theo đó, Ban chỉ đạo Thành phố yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật phòng, chống mua bán người. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở... hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền và tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; tổ chức giải cứu, tiếp nhận, hồ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Hiệp định song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc (năm 2018 - 2019); tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định với Thái Lan về công tác phòng, chống mua bán người. Tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống mua bán người.

Để triển khai thực hiện, yêu cầu Công an thành phố Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/TP) đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm mua bán người; Triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn Thành phố để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người theo sự chỉ đạo của Bộ Công an.


Phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người. Ảnh minh hoạ.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" đến từng địa bàn dân cư, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, CNTT, internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập thể... tổ chức tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7", lồng ghép với việc giáo dục kiến thức pháp luật, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người... để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các phòng LĐ,TB&XH các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ chế độ theo quy định, tổ chức tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho số phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về; Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cho người dân.

Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, các chiến dịch trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống mua bán người thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thảo, nói chuyện chuyên đề để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chổng mua bán người - 30/7"; Duy trì, nhân rộng các mô hình phòng ngừa mua bán người hiệu quả.


P.H
Ý kiến của bạn