Cẩn trọng lừa đảo khi cài đặt sinh trắc học

02-07-2024 11:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Một số ngân hàng cảnh báo khách hàng cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc học để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tốt nhất là đến ngân hàng để thực hiện xác thực gương mặt.

Từ 1/7/2024: Những giao dịch chuyển tiền nào phải xác thực sinh trắc học?Từ 1/7/2024: Những giao dịch chuyển tiền nào phải xác thực sinh trắc học?

Theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, chuyển khoản qua tài khoản trực tuyến trên 10 triệu hoặc tổng các lần chuyển khoản trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Lợi dụng quy định cài sinh trắc học

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và một số ngân hàng khác vừa phát đi cảnh báo, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học (STH) trên các ứng dụng ngân hàng theo yêu cầu Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Các đối tượng liên hệ khách hàng qua gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ.

Cẩn trọng lừa đảo khi cài đặt sinh trắc học- Ảnh 2.

Cần tỉnh táo nhận diện các chiêu thức lừa đảo tinh vi từ yêu cầu nhận diện sinh trắc học của các ngân hàng.

Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Đồng thời đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Chuyên gia bảo mật thông tin an ninh mạng Phạm Anh Tuấn cho biết, cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện là liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Hoặc lập nick gây nhầm lẫn như "nhân viên ngân hàng", "hỗ trợ khách hàng... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Các đối tượng còn đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Các ngân hàng không yêu cầu khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link.

Không truy cập vào link lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật NCS cho rằng, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Giải pháp xác thực sinh trắc học sẽ được thực hiện dựa trên sự so khớp giữa thông tin sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (VNeID).

Điều này sẽ loại bỏ được tài khoản ảo, tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn, đồng thời buộc các đối tượng lừa đảo phải sử dụng tài khoản chính chủ, do chính mình lập ra. Khi xác thực sinh trắc học, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của chủ tài khoản vi phạm qua đối chiếu với thông tin trên căn cước công dân gắn chip.

Ông Phạm Anh Tuấn cho hay, để tránh bị lừa đảo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào Link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Đồng thời, khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Ông Sơn cũng khuyến cáo: "Trong trường hợp máy không đọc được chip, bản thân người dùng nên tự liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng hoặc ra tận quầy giao dịch để được hỗ trợ. Người dân tuyệt đối không tự mày mò và làm theo các hướng dẫn trên mạng để tránh nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản", ông Sơn nói.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là không lớn, chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản, với tình hình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng, việc này chỉ cần khoảng thời gian 3 - 5 giây.

Giấy phép lái xe xác thực trên VNeID được coi là hợp lệ từ 1/6Giấy phép lái xe xác thực trên VNeID được coi là hợp lệ từ 1/6

SKĐS - Từ 1/6, giấy phép lái xe đã được xác thực trên ứng dụng VNeID (trùng thông tin trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe) thì được coi là hợp lệ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 2/7.


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn