Những lưu ý khi cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử

28-06-2024 15:04 | Xã hội

SKĐS - Để cài đặt sinh trắc học, người dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.

Người dân "chạy đua" cập nhật sinh trắc học

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Quy định mới này nhằm tăng cường bảo mật cho tài khoản ngân hàng, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính.

Hiện các ngân hàng và người dùng đang chạy đua cập nhật dữ liệu sinh trắc học trước ngày 1/7/2024. Tuy nhiên một số người cho biết còn gặp phải một số khó khăn, phần lớn ở khâu quét NFC (Chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên căn cước công dân, nhất là những khách hàng lớn tuổi và người không thành thạo về công nghệ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, chị Đinh Quỳnh (26 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mặc dù chị đã vào app để thực hiện đăng ký sinh trắc học, thế nhưng cứ đến bước đưa căn cước công dân ra sau điện thoại để quét thông tin, chị loay hoay làm đi làm lại vẫn chưa thực hiện được.

Những lưu ý khi cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử- Ảnh 1.

Chị Đinh Quỳnh gặp khó khăn trong khâu quét thông tin trên căn cước công dân. Ảnh: Đan Tâm.

"Tôi đã thực hiện trắc sinh học khuôn mặt nhưng quét hàng chục lần vẫn không được, cứ đế khâu quét chip CCCD thì luôn có kết quả là không kết nối", chị Quỳnh cho hay.

Chưa kể, với hầu hết người có tuổi, không thạo công nghệ thì thường phải chật vật mới thực hiện xong các bước đăng ký xác thực sinh trắc học.

Ông Nguyễn Quang Hùng (60 tuổi, Thái Bình) cho hay: "Điện thoại tôi dùng hệ điều hành Android, cấu hình máy không có chức năng hỗ trợ NFC, không có chức năng đọc chip. Tôi đành phải đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ".

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, các ngân hàng đều có hướng dẫn cụ thể về cách xác thực sinh trắc học trong ứng dụng của mình. Do vậy, khách hàng chỉ cần đọc kỹ hướng dẫn và làm theo thì sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Hồng Ngọc (28 tuổi, Hà Nội) cho hay: "Sau khi xem hướng dẫn trên app ngân hàng, chỉ cần để chip của CCCD đúng với mô tả, chưa đầy một phút đã đọc xong dữ liệu và thành công".

Những lưu ý khi cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử- Ảnh 2.

Khi quét chip CCCD cần để đúng vị trí đầu đọc NFC ở mặt sau điện thoại. Ảnh: Đan Tâm.

Về kinh nghiệm quét chip CCCD, Hồng Ngọc chia sẻ, đối với dòng máy iPhone, vị trí đầu đọc NFC đặt ở mặt sau điện thoại, đối diện cụm camera. Lúc thao tác, khách hàng nên đặt sát chip NFC vào vị trí nhận trên điện thoại. Hạn chế di chuyển khi thực hiện quá trình xác thực dữ liệu. Việc đặt thẻ CCCD, điện thoại qua ốp điện thoại cũng có thể khiến thao tác không thành công.

Cách xác thực CCCD bằng NFC

NHNN vừa có công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đối với khách hàng chưa có căn cước, CCCD gắn chíp (khách hàng chỉ có chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345 được thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Các đơn vị cần tích hợp ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ này. Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Từ ngày 1/7/2024, những đối tượng khách hàng nào chuyển tiền cần phải xác thực sinh trắc học?Từ ngày 1/7/2024, những đối tượng khách hàng nào chuyển tiền cần phải xác thực sinh trắc học?

SKĐS - Từ ngày 1/7/2024, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học.




Đan Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn