Với việc được ưu tiên xét tuyển trong những năm gần đây, có thể thấy việc "mạ" học bạ cho đẹp, thậm chí gần như tiến tới điểm tuyệt đối ở tất cả các môn học đã để lại những hệ lụy khôn lường.
Hệ luỵ đầu tiên đó là sự phân hóa học sinh trong lớp không được thể hiện tương ứng giữa năng lực thực tế và điểm số. Nói một cách dễ hiểu hơn thì học sinh học kém nhất lớp cũng có điểm số rất cao và không có khoảng cách lớn (thậm chí rất nhỏ) với những bạn học sinh top đầu.
Bên cạnh đó, học sinh thay vì thực sự cố gắng trong học tập mà sẽ cố gắng tìm cách để có một học bạ đẹp nhất có thể.
Khi có điểm số cao, học bạ đẹp thì học sinh sẽ lầm tưởng và đánh giá không đúng về năng lực của mình.
Với những em học sinh giỏi cũng cảm thấy thiếu ý chí và động lực hơn khi thấy những bạn học rất kém trong lớp cũng được cho dễ dàng những điểm số 9, 10 và điểm tổng kết cũng không khác mình là mấy.
Học sinh khóa sau thấy học sinh khóa trước không cần học nhiều mà vẫn có điểm học bạ gần như hoàn hảo thì cũng sẽ không tập trung, nghiêm túc trong việc học nữa.
Hơn thế nữa, một cuộc chạy đua về điểm số sẽ diễn ra giữa các học sinh, giữa các lớp, giữa các trường và cuộc chiến âm thầm của cha mẹ học sinh. Thầy cô, nhà trường muốn kiểm tra, đánh giá bằng một đề thi ở mức độ cao hơn, phân hóa hơn sẽ khiến cho học sinh của mình điểm thấp, khi đó khác nào "tự tay trói mình".
Đối với những thầy cô giảng dạy nghiêm túc, kiểm tra, đánh giá công tâm để phân loại đúng năng lực của học sinh đôi khi lại không nhận được sự hài lòng của các bên. Với họ thì chỉ mong học sinh có điểm số là cao nhất, bảng điểm là đẹp nhất. Khi đó những nỗ lực trong đổi mới giảng dạy, sáng tạo trong công việc hay có những sáng kiến mới cho kiểm tra, đánh giá lại không được đón nhận vì phản ánh đúng thực trạng của học trò là lại gây khó cho tất cả.
Ngoài ra, khi điểm tổng kết các năm của học sinh nào cũng lung linh thì các trường đại học, cao đẳng (nhất là các trường top đầu) sẽ thấy khó khăn và nhận ra rằng sẽ không còn nhiều giá trị trong việc phân loại học sinh bằng học bạ.
Và hơn hết là khi tất cả chúng ta đều không còn niềm tin vào những số liệu, và đúng hơn là các liệu số (có thể dễ dàng mua, xin, cho) thì mọi sự cải cách, đổi mới cũng chẳng thể nào đi xa được.
Vì thế, để thực hiện đúng chủ trương "học thật, thi thật, nhân tài thật" thì đã đến lúc chúng ta nên quan tâm thực sự đến giá trị thật, đến năng lực cốt lõi. Hãy cùng nhau đưa môi trường giáo dục phải quay trở về đúng giá trị nguyên bản của nó. Học sinh phải luôn được đứng trên mặt đất và tự đi trên đôi chân của chính mình, tự khám phá, trải nghiệm dưới sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội để phát triển bản thân và chọn đúng con đường mình đi. Một trong những việc đầu tiên, cấp thiết và không khó để thực hiện là chấn chỉnh lại việc kiểm tra, đánh giá và tổng kết điểm đẹp như mơ trong học bạ hiện nay.
Học bạ có thể chỉ là một điều kiện cần để đánh giá cả một tiến trình học tập và phát triển năng lực của học sinh. Các trường đại học cần có thêm các tiêu chí đánh giá, các bài thi khác để đánh giá chính xác hơn chất lượng đầu vào.
Có thể một số trường sẽ học hỏi mô hình của nước ngoài "mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra", những sinh viên không đảm bảo tiến trình học, không có năng lực thật sẽ bị đào thải dần qua thời gian.
Tuy nhiên, nếu chúng ta trung thực trong giáo dục và đào tạo ngay từ đầu; đã đánh giá, định hướng, phân luồng cho học sinh chính xác ngay trong quá trình học, sẽ không gây ra sự vất vả và tốn kém cả thời gian và tiền bạc như hiện nay.
Các trường cũng cần sớm có lộ trình tổ chức kỳ thi chuyên biệt để tìm được sinh viên phù hợp.
Sẽ ý nghĩa biết bao nếu thầy cô giảng dạy hết mình trên bục giảng, học trò say sưa học hành, kết quả học tập và rèn luyện phản ánh đúng năng lực của mỗi học sinh.
Các trường THPT không phải chịu sức ép về các thành tích để biến các "số liệu" thành "liệu số", lãnh đạo các trường có thể cố gắng tạo điều kiện có môi trường học thuật trung thực và tiến bộ.
Khi các giá trị thật được tôn trọng, mọi sự dối trá, tiêu cực, thành tích ảo tự khắc sẽ bị bài trừ.