Những trường đại học nào xét học bạ năm 2024?
Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Hà Nội vừa công bố một số thông tin về tình hình tuyển sinh năm 2024. Năm nay, nhà trường vẫn giữ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ, chiếm khoảng 15% tổng chỉ tiêu.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh theo 6 phương thức: Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (Không giới hạn chỉ tiêu). Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế, chỉ tiêu dự kiến 8%. Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chỉ tiêu dự kiến 65%.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT (Học bạ), Chỉ tiêu dự kiến 15%. Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2024, chỉ tiêu dự kiến 6%. Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024, chỉ tiêu dự kiến 6%.
Trước đó, đã có nhiều trường ĐH thông báo sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh đầu vào năm 2024.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM xét học bạ lớp 12, học bạ 3 học kỳ, và trường bắt đầu nhận hồ sơ xét học bạ từ 15/1/2024.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Trường ĐH Phenikaa năm 2024 dành từ 30 - 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ THPT.
Trường ĐH Công nghệ Hà Nội dự kiến dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT.
Trường ĐH Xây dựng miền Tây cũng xét học bạ, tính tổng điểm trung bình năm học lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển hoặc tổng điểm trung bình năm học lớp 10, 11 và HK1 lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.
Trường ĐH Văn Hiến xét điểm học bạ như sau: Tổng điểm trung bình của 3 môn xét tuyển trong 5 học kỳ; 3 học kỳ; 2 học kỳ; Tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 12, đợt 1 từ ngày 2/1 - hết ngày 10/5.
Trường ĐH Tân Tạo: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 theo các tổ hợp 3 môn theo tổ hợp môn, đợt 1 từ ngày 15/1 đến 31/5/2024.
Trường ĐH Phan Châu Trinh, điểm xét học bạ là điểm tổng kết cuối năm lớp 12 theo tổ hợp đăng ký xét tuyển.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - ĐH Đà Nẵng xét kết quả học tập THPT, các tổ hợp A00, A01, D01, D07.
Trường ĐH Gia Định xét kết quả học bạ THPT (Điểm trung bình HK1 lớp 11 + Điểm trung bình HK2 lớp 11 + Điểm trung bình HK1 lớp 12), điểm xét tuyển từ 16,5 điểm.
Năm 2024, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển học bạ theo 3 cách: Tổng điểm trung bình 3 học kỳ: HK1 (lớp 11) + HK2 (lớp 11) + HK1 (lớp 12) từ 18 điểm trở lên. Xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn (trong tổ hợp dùng để xét tuyển) của năm lớp 12 từ 18 điểm trở lên. Xét học bạ theo điểm trung bình cả năm lớp 12 từ 6,0 trở lên.
Trường ĐH Hoa Sen dự kiến xét học bạ THPT: Xét kết quả học tập (học bạ) 3 năm THPT, không tính HK2 của lớp 12; xét tuyển trên kết quả học tập THPT theo tổ hợp 3 môn.
Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu nhận hồ sơ xét học bạ đợt 1 từ 1/12/2023. Với phương thức xét học bạ, trường xét tuyển học bạ theo điểm trung bình 3 học kỳ (2 HK lớp 11 và HK1 lớp 12) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12.
Có nên bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ?
Chia sẻ với báo chí mới đây, GS.TS Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong nhiều năm gần đây, xét học bạ đã trở thành một trong những phương thức xét tuyển đại học phổ biến được nhiều người lựa chọn, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của phương thức này đang bị giảm sút, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của người học. Việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ là hoàn toàn hợp lý.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, điểm học bạ là điểm đánh giá một quá trình học tập của học sinh cùng với cách tính điểm trung bình cộng nên việc bù điểm, kéo điểm giữa các kỳ kiểm tra sẽ có lợi thế hơn so với tính điểm môn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ THPT để xét tuyển đại học, sẽ không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển đại học giữa các thí sinh trong cả nước.
"Cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay, thậm chí loại bỏ phương thức xét học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học. Như vậy mới giảm thiểu tình trạng lạm phát điểm học bạ, chạy điểm làm đẹp học bạ", GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ khi có hiện tượng "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở bậc THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Luật giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.
Như vậy, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm đưa ra biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.