Dùng môn thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học: Số tổ hợp xét tuyển có giảm?

04-12-2023 09:21 | Xã hội

SKĐS - Theo nhiều giáo viên và chuyên gia, nếu thí sinh dùng môn thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học thì các em phải hướng nghiệp chính xác mới có thể xét tuyển đúng vì mỗi em chỉ còn một đến hai tổ hợp xét tuyển.

Lo lắng vì thi tốt nghiệp THPT không được thi quá hai môn tự chọn

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, thí sinh thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tổ hợp, chọn giữa Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Nếu chọn bài thi Khoa học Tự nhiên, thí sinh cùng lúc dùng được nhiều tổ hợp xét tuyển đại học như A (Toán, Lý, Hóa), B (Toán, Hóa, Sinh), D (Toán, Văn, Anh) hay A01 (Toán, Lý, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh) để tuyển sinh đại học. Còn theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT vừa công bố mới đây, thí sinh sẽ thi 2 môn tự chọn. Nhiều thí sinh lo lắng sẽ giảm cơ hội vào đại học vì bị giới hạn tổ hợp xét tuyển đại học.

Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 11 ở Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, năm 2025 Linh dự kiến chọn môn Hóa và Lý để thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học khối A00. "Em cũng rất thích học môn Sinh nên em định thử sức đăng ký nguyện vọng vào ngành Y nhưng Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thi tối đa 2 môn tự chọn nên chắc em chỉ được chọn khối B00 hoặc A00".

Không chỉ Linh mà nhiều em học sinh khác cũng lo lắng với phương án mới cho dù cùng một kỳ thi và số môn thi lựa chọn nhưng có bạn có thể xét tuyển theo hai tổ hợp, có bạn lại chỉ có một tổ hợp.

Học sinh cần phải hướng nghiệp chính xác

Nhiều giáo viên, chuyên gia tuyển sinh cũng lo ngại về phương án thi mới, trong bối cảnh hầu hết đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển. Tỷ lệ thí sinh đỗ đại học bằng điểm thi này chiếm khoảng 50-60%.

Theo một giáo viên dạy Toán cấp THPT ở Hà Nội, quy định của Bộ GD&ĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có phần bất lợi với những thí sinh xét tuyển đại học bằng các tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Ví dụ, thí sinh chọn Hóa, Sinh là hai môn tự chọn, các em chỉ xét tuyển được tổ hợp B00. Còn với những thí sinh chọn thi Lý, Hóa cũng chỉ xét tuyển được tổ hợp A00 hoặc tổ hợp C01 nhưng tổ hợp này không phổ biến. "Thời gian tới có thể các trường đại học sẽ điều chỉnh việc tuyển sinh, nhưng ngay từ lúc này, các em học sinh phải xác định thật kỹ việc chọn tổ hợp thi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề về sau".

Dùng môn thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học: Số tổ hợp xét tuyển có giảm?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên Trường THPT chuyên Sư Phạm ủng hộ phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 mà bộ GD&ĐT vừa công bố. "Tuy nhiên, phương án này có một vấn đề là số tổ hợp để xét tuyển đại học đang giảm. Nếu dùng môn thi tốt nghiệp để xét vào đại học thì số tổ hợp xét tuyển sẽ giảm đi đáng kể. Học sinh phải hướng nghiệp chính xác mới có thể xét tuyển đúng vì mỗi em chỉ còn một đến hai tổ hợp xét tuyển".

Mặt khác, thầy Công băn khoăn, liệu có thêm môn tự chọn tự do cho thí sinh không? "Tốt nghiệp thì phương án này phù hợp nhưng nếu xét đại học thì cần thêm môn tự chọn theo nhu cầu sẽ ổn hơn. Như vậy, phương án thi sẽ vừa đóng vừa mở. Thí sinh nào chỉ tốt nghiệp thì chỉ thi tốt nghiệp thôi".

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN), với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36. Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học. Số lượng tổ hợp nói trên chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay. Từ đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào đại học từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn. "Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác".

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, nguyên tắc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn. "Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Chưa kể, số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí. Về xét tuyển đại họcmỗi thí sinh cùng lúc sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể sẽ gây mất công bằng. Do đó, trước mắt, thí sinh chỉ được thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực".

Thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 được thi riêng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho những học sinh theo học chương trình GDPT cũ. Từ năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình GDPT 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các em sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong trường hợp thí sinh chẳng may trượt tốt nghiệp năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định: Các em yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018. Bộ GD&ĐT đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp riêng, đảm bảo đúng nội dung và phương thức theo chương trình mà các em học".

Thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Giáo viên, chuyên gia nói gì?Thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Giáo viên, chuyên gia nói gì?

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, nhiều giáo viên và chuyên gia đều đồng tình với phương án này.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn