Hà Nội

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025: Giáo viên nhận xét gì?

30-12-2023 08:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo một số nhận xét ban đầu của các thầy cô giáo, nội dung đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho 17 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc để các thí sinh tham khảo.

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống, cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên Toán Trường THPT Công nghiệp, Phú Thọ) cho biết, năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT mới thi tốt nghiệp. Trong đề thi minh hoạ tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán có một số điểm mới như: số lượng câu hỏi gồm 50 lệnh hỏi với 34 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút.

Đối với dạng thức câu hỏi và cách tính điểm, bổ sung thêm hai dạng thức câu hỏi mới (Trắc nghiệm đúng sai và Trắc nghiệm trả lời ngắn) với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức. 

Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. 

Tỉ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng, chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kì thi để xét tuyển vào trường.

"Với đề thi minh họa này, học sinh cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kì thi 2025", cô Giang nhận xét.

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025: Giáo viên nhận xét gì?- Ảnh 1.

Bộ GD&ĐT vừa công bố đề minh họa thi tốt nghiệp năm 2025 để học sinh tham khảo.

Với môn Ngữ văn - môn duy nhất được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình GPDT mới môn Ngữ văn cho biết, việc Bộ GD&ĐT công bố trước hơn 1 năm về định hướng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là cần thiết và hữu ích giúp giáo viên cũng như học sinh trong việc học tập và ôn luyện cho kì thi này.

"Nhìn chung, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT công bố (dùng thử nghiệm với học sinh lớp Lớp 10, kì một) đã bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình 2018. Vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lâu nay đã khá quen thuộc, vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục việc học thuộc và chép văn mẫu", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói.

Nhận định thêm về đề minh họa thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, theo các thầy cô giáo Tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, từ việc phân tích đề minh họa có thể thấy, đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm.

Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó. Câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… Đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Dựa trên đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kĩ năng và năng lực đọc – hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi.

Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự "quen thuộc" này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng viết, đặc biệt là viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Với đề thi tiếng Anh, theo một thầy giáo dạy tiếng Anh cấp THPT ở Hà Nội cho rằng, từ năm 2025, môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn, thời gian làm bài tương đương với các môn thi còn lại. Cụ thể, bài thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút. Mức độ đề khó hơn, phân loại mạnh hơn và xoáy sâu vào kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của học sinh, bám sát định hướng đề thi đánh giá năng lực. 

Với đề thi này, học sinh cần có năng lực thực sự và tư duy học thật mới có thể lấy được điểm cao. Còn đối với các trường đại học thì có thể tự tin sử dụng để xét tuyển đại học.

17 đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện Kế hoạch số 1780/KH-BGDĐT về việc xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng xây dựng cấu trúc định dạng đề thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Hội đồng đã xây dựng cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học, gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).

Thí sinh xem chi tiết 17 đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025 TẠI ĐÂY

3 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT 20253 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT 2025

SKĐS - Để nhà trường, giáo viên và học sinh có sự hình dung sớm hơn về những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ GD&ĐT vừa công bố đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi theo đúng kế hoạch.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn