Cách nào để sâm Việt Nam phát huy lợi thế, cạnh tranh được với các loài sâm khác?

28-06-2024 06:20 | Xã hội

SKĐS - Đến nay sâm Việt Nam đã được nhân giống, trồng và phát triển thành công để phục vụ việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác, cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng...

Sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không kém các loài sâm quý khác trên thế giới

Là loài đặc hữu, một dược liệu rất quý hiếm của đất nước nên sâm Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người và những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại trị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới.

Những thông tin trên được PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) thông tin tại hội thảo khoa học "Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm" diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội.

Cách nào để sâm Việt Nam phát huy lợi thế, cạnh tranh được với các loài sâm khác?- Ảnh 1.

PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc phát biểu

PGS.TS, Vũ Đức Lợi cho biết, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đã đưa vào dược điển các nước, trong đó có dược điển Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất và ngày càng tăng độ chính xác.

"Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường thì cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy"- ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Jeong Hill Park, Đại học quốc gia Seoul thẳng thắn cho rằng kỹ thuật trồng sâm và doanh thu của Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt nghiên cứu khoa học về sâm chưa nhiều. 

"Hàn Quốc có hơn 600 công bố về sâm được xuất bản hàng năm, trong khi đó Việt Nam chỉ có khoảng 13 công bố, chiếm khoảng 2% so với Hàn Quốc", ông nói. Việt Nam cần phát triển phương pháp canh tác, đẩy mạnh năng suất trên một đơn vị diện tích nhỏ, tăng quy mô số lượng trang trại và diện tích trồng sâm.

Cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng về sâm Việt Nam 

Cũng theo chuyên gia đến từ Hàn Quốc, cần có các nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm soát chất lượng, từ đó cung cấp bằng chứng khoa học về chất lượng và lợi ích của sâm. Ông nhấn mạnh cần chú trọng việc bảo vệ nguồn gene quý của sâm Việt, do chúng thường chỉ sống ở vùng núi cao và rất đa dạng về mặt di truyền, do đó nhiều nguồn gene khác nhau cần được bảo tồn.

Đồng quan điểm, TS. Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường trôi nổi và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm của Việt Nam (sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh)...

Tại hội thảo, PGS.TS. Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST đặt vấn đề cho biết Hàn Quốc có nền công nghiệp sâm đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2023. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, giá trị kinh tế về dược liệu của Việt Nam đạt khoảng 500 triệu USD, tức chỉ bằng khoảng 1/5 giá trị của riêng cây sâm Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm.

Nhấn mạnh triển vọng của sâm Lai Châu, TS. Phạm Hà Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam thông tin, Bộ NN&PTNT đã cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng sâm Lai Châu và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu".

Hiện nay, 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân gây trồng khoảng 60 ha sâm Lai Châu tập trung và nhiều diện tích nhỏ lẻ, phân tán dưới tán rừng. Diện tích ứng dụng công nghệ cao khoảng trên 19 ha (trồng trong nhà màng, nhà lưới). Năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh khoảng 3.000 ha, đạt tiêu chuẩn GACP.

Cách nào để sâm Việt Nam phát huy lợi thế, cạnh tranh được với các loài sâm khác?- Ảnh 2.

TS.Phạm Hà Thanh Tùng trình bày tại hội thảo.

TS Phạm Hà Thanh Tùng cho biết vùng trồng sâm Lai Châu tại Sìn Hồ đã chuẩn hóa quy trình trồng 7 bước từ kiểm soát điều kiện trồng, nguồn giống, quy trình chăm sóc theo độ tuổi cây, theo dõi định kỳ sinh trưởng và kiểm soát tích lũy hoạt chất.

Các tiêu chuẩn đầu ra gồm sơ chế, bảo quản và ứng dụng khoa học vào chế biến giúp gia tăng tác dụng, hướng tới bảo tồn nguồn giống bản địa, kiểm soát chặt chẽ điều kiện trồng trọt, chế biến và bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng sâm.

TS Tùng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh quảng bá, phát triển hơn nữa sâm Lai Châu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoa học về sâm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm từ sâm Lai Châu… Đồng thời ông cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm xây dựng và áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng cho cây sâm Việt Nam để người dân được sử dụng các sản phẩm dược liệu sâm chất lượng.

Sâm Việt Nam có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv. là một trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985.

Cho đến nay, sâm Việt Nam đã được phát hiện ở rất nhiều địa phương khác nhau, ngoài Quảng Nam và Kon Tum còn có Lâm Đồng, Lai Châu...

Đến nay, ở Việt Nam đã thu thập và xác định được có 3 thứ Panax vietnamensis, gồm: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang

Lai Châu: Mục tiêu bảo tồn, phát triển 10.000ha sâm dưới tán rừngLai Châu: Mục tiêu bảo tồn, phát triển 10.000ha sâm dưới tán rừng

Qua rà soát đánh giá, Lai Châu hiện có tổng diện tích rừng là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 447.005 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn