Tại Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nêu rõ, xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quyết định cũng nêu mục tiêu cụ thể đến 2030: Bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).
Đến năm 2045: Phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Quyết định đưa ra giải pháp và tổ chức thực hiện. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện, đưa vào vận hành các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống, kiểm định chất lượng sâm Việt Nam đã được đầu tư; tập trung nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất giống sâm Việt Nam đáp ứng nhu cầu sản xuất ở quy mô hàng hóa.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nhân giống sâm Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả các đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc dự án khoa học công nghệ sản phẩm quốc gia "sâm Việt Nam" chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Đầu tư các cơ sở sản xuất giống quy mô hiện đại, đảm bảo chất lượng và khả năng cung ứng giống Sâm Việt Nam có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại đảm bảo đủ số lượng cung ứng cho vùng nguyên liệu tập trung cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống.
Thực hiện nuôi trồng và thu hái sâm Việt Nam theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến sâm Việt Nam theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh. Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh ở các vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng tương đồng, đảm bảo theo đúng quy định về đất đai, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để có cơ sở khuyến cáo, nhân rộng. Không thực hiện di thực cây sâm Việt Nam vào trồng trong rừng đặc dụng, nơi không có phân bố tự nhiên.
Điều tra, đánh giá xác định vùng bảo tồn sâm Việt Nam ngoài tự nhiên làm cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ cho chế biến sâu sản phẩm từ sâm Việt Nam. Xây dựng tài liệu, mô hình hướng dẫn kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, sơ chế sâm Việt Nam đảm bảo chất lượng; biện pháp kỹ thuật phát triển sâm Việt Nam bền vững trong môi trường rừng.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử về sâm Việt Nam và các sản phẩm từ sâm Việt Nam…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Y học phát triển - tán sỏi không cần mổ mở _ SKĐS