Hà Nội

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân

14-05-2024 19:28 | Tin nóng y tế

SKĐS - Hiện nay đời sống kinh tế bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trong khi tiềm năng phát triển cây dược liệu lớn. Việc triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngày 14/5, tại TP Huế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam từ 60.000 - 80.000 tấn/năm

Báo cáo tại hội nghị, TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế được giao đầu mối triển khai Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc tiểu dự án 2, Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được triển khai thí điểm 22 dự án trên địa bàn 22 huyện của 21 tỉnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và trả lời các khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Bên cạnh đó, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp cùng cơ quan liên quan thành lập đoàn công tác để hướng dẫn, khảo sát sơ bộ vùng trồng dược liệu quý tại các địa phương.

Theo TS. Trần Minh Ngọc, về triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại các địa phương, kinh phí trung ương phân bổ cho 20 tỉnh được lựa chọn triển khai năm 2021- 2023 là 560,603 tỷ đồng.

Các tỉnh có quyết định phân bổ nguồn vốn để triển khai. Tuy nhiên, ở một số địa phương chưa phân bổ nguồn vốn đến huyện triển khai thực hiện dự án như đề xuất ban đầu, một số địa phương phân bổ cho nhiều huyện cùng triển khai thực hiện nội dung… dẫn đến nguy cơ nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung được nguồn lực hình thành vùng nguyên liệu tập trung, khó thu hút, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, quá trình triển khai, Bộ Y tế có công văn gửi 21 địa phương về việc hỗ trợ, xây dựng dự thảo thông báo lựa chọn chủ trì liên kết trên cơ sở kết quả phối hợp khảo sát, đánh giá, hoàn thiện kế hoạch phát triển dược liệu cho 21 địa phương triển khai dự án.

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân- Ảnh 2.

TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, hiện mới có 16/22 huyện ban hành thông báo lựa chọn chủ trì liên kết. Trong đó, một số địa phương sau khi thông báo lựa chọn chủ trì liên kết thực hiện dự án có thông báo tạm dừng tiếp nhận hồ sơ do cần hoàn thiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc ban hành mẫu hồ sơ, thủ tục trình tự, tiêu chí lựa chọn dự án.

Tại hội nghị, TS. Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay có khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu từ 60.000 - 80.000 tấn/năm nhưng thực tế chỉ cung cấp khoảng 15.600 tấn/năm.

Tồn tại trong phát triển dược liệu hiện nay là chưa xây dựng được nhiều vùng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn theo GACP-WHO, chủ yếu quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, thiếu quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn, chất lượng; thiếu các cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm từ dược liệu chưa đa dạng, sản lượng ít, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho rằng, để phát triển dược liệu, về khoa học công nghệ cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu. Nhân rộng việc áp dụng tiêu chuẩn GACP – WHO và tiêu chuẩn hữu cơ cho tất cả vùng trồng dược liệu tại địa phương.

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân- Ảnh 3.

Mô hình trồng sâm Bố Chính tại huyện A Lưới.

Đối với giải pháp về phát triển chuỗi giá trị, cần hỗ trợ thành lập các HTX, các hiệp hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu. Tăng cường hợp tác, tạo liên kết 5 nhà bao gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng thương mại, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương trình bày tham luận, báo cáo về quá trình triển khai nội dung thuộc chương trình. Các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, qua đó kiến nghị giải pháp nhằm giúp cho việc triển khai thực hiện trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tiềm năng phát triển cây dược liệu của Việt Nam rất lớn nhưng việc trồng, thu hái, chế biến, sử dụng chưa thực sự bài bản, việc sử dụng chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, giá trị.

Gỡ khó để phát triển vùng trồng dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân- Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, theo chỉ số đánh giá, hiện nay đời sống kinh tế bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trong khi tiềm năng phát triển cây dược liệu lớn. Việc triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý với mong muốn để bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, dù chương trình mới, được triển khai lần đầu, nhưng trong thời gian qua đạt được một số kết quả như xây dựng được hệ thống văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể. Thành lập được các đoàn vừa đi hướng dẫn, vừa khảo sát. Làm rõ được truyền thông về chính sách, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin. Một số địa phương ban hành được mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục chương trình và chọn được đơn vị liên kết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc triển khai chương trình còn gặp phải khó khăn về cơ cấu nguồn vốn để triển khai, nhiều lần phải điều chỉnh văn bản hướng dẫn, thông tư. Ngoài ra, do tập trung cho vùng đồng bào, dân tộc thiểu số nên khả năng nhận thức còn hạn chế... Bên cạnh đó, nội dung đầu tư mới nên còn có tâm lý e ngại trong thực hiện.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, trong thời gian còn lại của giai đoạn I chương trình, các đơn vị cần tập trung triển khai. Trong đó, UBND các tỉnh hình thành các tổ liên ngành trực tiếp tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục triển khai thực hiện các bước để chọn các đơn vị liên kết. Thực hiện phân cấp, phân quyền nhưng phải có tổ liên ngành để hỗ trợ địa phương xử lý...

Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương liên quan phối hợp tốt hơn nữa, triển khai các vùng trồng được lựa chọn tại các huyện của tỉnh để kịp thời triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu các địa phương có khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nội dung của chương trình thực hiện gửi văn bản về Bộ trước ngày 20/5 để các đơn vị chức năng tổng hợp ý kiến, ban hành hướng dẫn, tháo gỡ.

Thực hiện Nghị quyết số 68/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 17/10/2021 về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Năm 2021 - 2025.

Chương trình được bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệuTháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu

SKĐS - Ngày 10/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3175/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dược liệu.


Hoàng Dũng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn