Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

22-06-2024 09:41 | Phòng mạch online

SKĐS - Gần đây liên tiếp xảy ra các ca cấp cứu do thời tiết nắng nóng. Vậy người dân cần làm gì để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe khi phải làm việc hoặc di chuyển dưới thời tiết nắng nóng?

Nếu không biết cách bảo vệ bản thân đúng cách, bạn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như tình trạng đột quỵ, sốc nhiệt, say nắng, say nóng… khi phải làm việc hoặc di chuyển lâu dưới thời tiết nắng nóng.

Dấu hiệu say nắng, say nóng cần cấp cứu

Khi làm việc hoặc di chuyển dưới thời tiết nắng nóng, nếu có những biểu hiện say nắng, say nóng ở mức độ nhẹ có thể có các triệu chứng như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khát nước, nhịp tim nhanh hoặc hồi hộp đánh trống ngực… Lúc này cần nhanh chóng xử lý bằng cách:

  • Chuyển ngay nạn nhân vào nơi có bóng mát, thoáng gió.
  • Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó dùng khăn mát lau cơ thể người bệnh. Có thể đặt khăn thấm nước mát tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
  • Nếu người bệnh uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất nên uống nước có bổ sung muốikhoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
  • Nếu người bệnh gặp tình trạng chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
  • Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh người bệnh. Sau khoảng 10 – 15 phút các biểu hiện trên sẽ giảm dần.
Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng- Ảnh 1.

BS Nguyễn Ngọc Định - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tư vấn cho người dân cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng.

Nếu quan sát thấy người bệnh có các biểu hiện nặng như khó thở tăng dần, đau đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, yếu/liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê… thì cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Cần lưu ý phải chườm khăn mát cho cơ thể người bệnh trong suốt quá trình vận chuyển đến cơ sở cấp cứu.

Cần lưu ý gì khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng?

Nếu có thể, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà trong khoảng thời gian nắng nóng đỉnh điểm từ 10 -14h. Trường hợp cần thiết phải ra ngoài khi trời nắng hoặc có công việc làm ngoài trời thì cần lưu ý các vấn đề sau:

- Chuẩn bị một thể trạng khỏe mạnh: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong ngày hè bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, trái cây, rau xanh… Trong đó chú trọng các thực phẩm chứa nhiều kali (cà chua, chuối, mồng tơi…). Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường thể trạng.

Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng- Ảnh 2.

Khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng người lao động cần sử dụng đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ.

- Tránh để cơ thể bị sốc nhiệt đột ngột: Nếu đang làm việc ở ngoài trời nắng, người dân không nên di chuyển ngay vào phòng có điều hòa hoặc tắm ngay sau khi làm việc để tránh trường hợp chênh lệch nhiệt độ cơ thể gây đột quỵ.

Nếu đang ở phòng điều hòa không nên ra ngoài trời nắng ngay mà cần có thời gian cho cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Người dân có thể tăng nhiệt độ điều hòa hoặc chọn nơi có bóng mát để nghỉ ngơi trước khi bước ra ngoài trời nắng.

- Bảo vệ cơ thể khi làm việc hoặc di chuyển dưới trời nắng: Khi ra ngoài, người dân cần sử dụng đồ bảo hộ để che chắn cho cơ thể khỏi ánh nắng như quần áo dài, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, găng tay chống nắng, kính và sử dụng kem chống nắng.

Còn đối với người lao động phải làm việc liên tục dưới thời tiết nắng nóng có thể lựa chọn các trang phục lao động màu sắc sáng nhằm hạn chế hấp thu nhiệt. Nên chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát và chất liệu thấm hút được mồ hôi.

- Uống đủ nước: Việc mất nước có thể gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, vào mùa hè việc uống đủ nước vô cùng quan trọng. Người dân cần uống đủ nước kể cả khi không khát. Nên chia lượng nước uống trong ngày thành nhiều lần uống, mỗi lần uống thành từng ngụm nhỏ.

Người lao động nếu mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc có thể sử dụng các loại nước khoáng hoặc nước có bổ sung thêm muối, Oresol… Trong thời gian làm việc nên hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt có gas.

Ngoài ra, với người làm việc liên tục dưới thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian nghỉ ngơi dưới bóng mát hoặc khu vực thoáng mát sau khoảng 1-2 tiếng làm việc. Cần lưu ý tránh làm việc gắng sức dưới trời nắng trong thời gian dài.

Xem thêm video được quan tâm:

Nước thanh nhiệt có hiệu quả làm mát gan? |SKĐS


BS Nguyễn Ngọc Định
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn