Mặn nhạt nghề muối

30-05-2024 12:16 | Thời sự

SKĐS - Nghề làm muối ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có truyền thống hàng trăm năm. Để làm ra được những hạt muối trắng tinh, các diêm dân phải tranh thủ thời điểm nắng nóng đỉnh điểm để "phơi" muối.

Đội nắng ra đồng

Cánh đồng muối ở Quỳnh Lưu là nơi sản xuất muối lớn nhất Nghệ An, rộng tới 600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng biển. Nhiều năm nay, giá cả bấp bênh, lao động thủ công nên nhiều diêm dân ở đây bỏ nghề và không còn mặn mà gì với thứ được gọi là "vàng trắng" này nữa.

Mặn nhạt nghề muối- Ảnh 1.

Sản xuất muối vất vả, cực nhọc, thu nhập thấp nên trên những cánh đồng muối chỉ còn người lớn tuổi bám trụ. Trong ảnh: Cào muối dưới nắng gay gắt.

Với vị trí ven biển, có lợi thế là nguồn nước mặn dồi dào, đồng muối xã Quỳnh Thuận trở thành nguồn thu nhập quan trọng và ổn định cho người dân địa phương. Vụ muối thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 âm lịch hàng năm, khi thời tiết nắng gay gắt, thích hợp cho việc làm muối.

Khác với những nơi khác chỉ cần múc nước biển lên phơi, diêm dân Quỳnh Thuận phải thêm công đoạn phơi cát và "lọc cát" khá độc đáo.

Để làm ra được những hạt muối trắng ngần, diêm dân thường bắt đầu công việc từ sáng sớm khi những tia nắng đầu tiên còn chưa xuất hiện cho đến chập tối. Họ ra đồng sớm để đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô nại phơi cho kịp nắng lên.

Mặn nhạt nghề muối- Ảnh 2.

Diêm dân cần mẫn lao động mặc sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi bức.

Ông Hoàng Văn Hùng, 59 tuổi, ở xóm 4 Quỳnh Thuận, làm muối ở đây từ nhỏ. Lớn khôn nhờ muối, cưới vợ cũng làm nghề muối. Thế nhưng 3 đứa con lớn lên chẳng ai theo nghề, hai con gái lấy chồng, còn con trai đi biển làm thuê. Mỗi năm, nghề làm muối kéo dài được 4-5 tháng, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch. "Năm nào hạn hán, nắng to, mùa làm muối có thể kéo dài đến tháng 7 âm lịch. Nhiều tháng trời quần quật "gánh" chi phí con cái học hành, chi tiêu cho cả nhà nên cơ cực lắm", ông Hùng nói.

Bà Trần Thị Hoa, sống ở xóm 4, xã Quỳnh Thuận, đang cố gắng múc nước biển rưới lên sân phơi để làm muối cho biết, muối rẻ quá, dân chán bỏ nghề hết rồi. Gia đình bà Hoa có 4 dát muối (sân phơi). Mùa này, mỗi ngày, bà ra đồng từ 5 giờ sáng để lắng lọc nước biển rồi múc nước rưới lên sân phơi, xong việc khoảng 8 giờ. Đến 11 giờ, lại ra đồng để đưa cát đã phơi khô vào các ô lắng lọc và thay lớp cát cũ, chuẩn bị cho việc sản xuất muối vào ngày hôm sau. Khoảng 5 giờ chiều, khi muối trên các sân phơi đã kết tinh, bà thu hoạch muối. Công việc kéo dài đến tối mịt mới kết thúc.

Mặn nhạt nghề muối- Ảnh 3.

Dù rất vất vả nhưng diêm dân vẫn gắn bó với nghề cha ông truyền lại.

"Trời nắng to, mỗi ngày, thu được khoảng gần 3 tạ muối. Với giá bán 1.300 đồng/kg như hiện nay, tôi kiếm được 350.000 đồng/ngày. Hôm nào trời đổ mưa chiều, coi như cả ngày công cốc, nước biển lại trả về cho biển. Nghề này cực lắm, dân nhà tui gọi là bán mồ hôi lấy tiền. Giá muối thấp quá, làm chẳng ăn thua. Nếu không làm không biết làm nghề gì để sống", gạt vội chiếc khăn sờn cũ trên mặt, bà Hoa kể. 

Nghề muối được diêm dân ví như đánh cược với trời đất. Quanh năm cầu mong những ngày nắng lớn, chỉ một trận mưa dông bất ngờ có thể khiến công sức cả ngày "trôi sông, đổ biển". Ngày ngày, họ phải oằn lưng "đội nắng" dưới thời tiết nóng oi bức, mặc cái hương vị mặn mòi kia ám trên từng gương mặt đen sạm vì cháy nắng.

Bấp bênh với nghề truyền thống

Vất vả là vậy, nhưng nghề làm muối lại có thu nhập khá bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và giá cả thị trường. Đa phần, diêm dân các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ (H.Quỳnh Lưu) đều có tuổi bám trụ với nghề. Những thanh niên trong làng chọn những công việc nhẹ nhàng, thu nhập tốt hơn ở thành thị để trang trải cuộc sống.

Trước đây, khoảng 70% số hộ dân ở xã Quỳnh Thuận làm nghề muối. Nghề muối ở đây đã có từ lâu đời và thời hoàng kim, nghề này mang lại thu nhập khá cho người dân. Thế nhưng, từ 10 năm qua, giá muối phập phù khiến diêm dân lao đao.

Mặn nhạt nghề muối- Ảnh 4.

Diêm dân xã Quỳnh Thuận, tranh thủ trời nắng để sản xuất muối.

Theo lãnh đạo xã Quỳnh Thuận, giá muối rớt dài trong mấy năm qua khiến người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống này. Nghề muối vất vả, thu nhập lại thấp hơn nhiều nghề khác nên diêm dân phải tha hương làm công nhân, giúp việc ở thành phố để mưu sinh.

"Nếu không làm muối, cánh đồng muối chỉ có thể chuyển sang nuôi tôm. Thế nhưng, nuôi tôm cần nhiều vốn, kiến thức, kinh nghiệm và cũng rủi ro lớn, nên việc chuyển đổi không hề dễ dàng. Hiện nay, để tháo gỡ một phần khó khăn cho diêm dân, hỗ trợ họ duy trì nghề muối, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân để cải tiến các ô chạt lọc, phủ bạt kết tinh để diêm dân bám nghề, nhưng do giá muối quá thấp nên nhiều người không còn muốn theo đuổi nghề", một lãnh đạo xã Quỳnh Thuận chia sẻ.

Ông Bùi Xuân Điện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ muối Thắng Lợi (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu), cho biết, mỗi năm cung cấp khoảng 12.000 tấn muối cho thị trường. "Thu nhập từ nghề muối không cao, ưu thế là tận dụng được lao động, nhất là lao động già yếu, phụ nữ... còn thanh niên trai tráng hay những người trong độ tuổi lao động thường tìm kiếm các công việc có thu nhập cao hơn. Với giá muối hiện nay, thời tiết phải đủ nắng, sức lao động thanh niên tính ra chỉ kiếm được từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày sẽ không đủ chi tiêu của diêm dân", ông Điện nói.

Mặn nhạt nghề muối- Ảnh 5.

Những thúng muối trắng thu được sau nửa ngày phơi nắng.

Không chỉ ở Quỳnh Lưu, tại các vùng làm muối của huyện Diễn Châu, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từng nổi tiếng là vùng sản xuất muối biển của Nghệ An, Diễn Châu với hơn 150ha đất làm muối, tập trung nhiều nhất ở các xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kỷ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương chuyên làm muối, phải có đến 60% diện tích đồng muối bị bỏ hoang nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV cho thấy, đến nay, sau một thời gian được quy hoạch chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hầu hết những cánh đồng muối ở các xã Diễn Kỷ và Diễn Vạn vẫn bỏ hoang. Người dân cho biết, do chuyển sang nuôi tôm, đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nên họ không dám mạo hiểm để đầu tư và vẫn phải bỏ hoang đất để chờ… cơ hội.

Hiện nay, đang tồn tại một thực tế là, diêm dân gặp khó khăn trong sản xuất, nghề làm muối truyền thống ngày càng mai một, trong khi đó Việt Nam phải nhập khẩu muối. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền để cứu lấy nghề truyền thống của địa phương.

Diêm dân oằn mình chắt chiu từng hạt muối nhưng giá muối giảm mạnhDiêm dân oằn mình chắt chiu từng hạt muối nhưng giá muối giảm mạnh

SKĐS - Gương mặt đen sạm vì nắng, vì hơi muối của diêm dân Phạm Thiến đượm buồn khi nói về vấn đề giá trong lúc thời tiết thuận lợi, muối có sản lượng cao

Ý kiến của bạn