1. Gừng - vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền
Gừng còn có tên khác là sinh khương, can khương, bào khương... Tên khoa học Zingiber officinale Rose, họ Gừng (Zingiberaceae). Cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1m. Thân rễ mọc phình lên thành củ, không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3 - 7 cm, dày 0,5 -1,5 cm.
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị; có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc… Vị cay thơm đặc trưng và tính ấm nóng của gừng là đặc điểm khiến cho gừng được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như trong y học cổ truyền.
Sinh khương hay gừng tươi là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc phát tán phong hàn. Trong y học cổ truyền phương Ðông, ở các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Việt Nam… các thầy thuốc đã dùng gừng làm thuốc không thể thiếu trong bài thuốc Đông y và sử dụng gừng từ hơn 2.000 năm.
Gừng là vị thuốc không thể thiếu trong bài thuốc Đông y.
2. Tác dụng của củ gừng
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ (củ gừng). Gừng gồm có tinh dầu, nhựa dầu, tinh bột, chất cay.
Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol, zingerol (trong đó gingerol chiếm tỉ lệ cao nhất), α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol. Cineol trong gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.
Hợp chất gingerol có trong gừng giúp hỗ trợ nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm tiêu hóa, giảm buồn nôn, chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. Gingerol là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong loại gia vị này cùng với các loại dầu tự nhiên khác tạo cho nó một hương vị và hương thơm độc đáo, có đặc tính chống viêm.
Gừng qua chế biến sẽ biến đổi gingerol thông qua phản ứng aldol ngược thành zingerone, ít hăng hơn và có mùi thơm cay ngọt. Khi gừng được sấy khô hoặc làm nóng nhẹ, gingerol trải qua phản ứng mất nước tạo thành shogaols, hăng gấp đôi gingerol. Điều này giải thích tại sao gừng khô hăng hơn gừng tươi.
Shogaol, gingerol được chứng minh có hiệu quả trong việc tăng cường nhu động ruột để di chuyển thức ăn dọc theo đường tiêu hóa. Zingerone ức chế các chuyển động co bóp tự phát và giảm nhu động ở đại tràng. Gừng được cho là một thuốc chống nôn và thuốc chống buồn nôn có hiệu quả, đặc biệt là cho buồn nôn do say tàu xe hoặc mang thai và giảm co thắt ruột. Gừng cũng được sử dụng như một chất chống viêm và giảm đau.
Tác dụng dược lý: Nước gừng có tác dụng gây co mạch, hưng phấn thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, tăng tuần hoàn, tăng huyết áp, ức chế trung tâm nôn, gây xung huyết ở dạ dày, có tác dụng cầm máu nhẹ. Nước gừng ức chế một số vi khuẩn, vi trùng ở âm đạo.
Gừng là vị thuốc được y học cổ truyền xếp vào nhóm khử hàn, các tác dụng mà y học cổ truyền ghi nhận chủ yếu là chữa các bệnh do hàn làm đau bụng, khó tiêu, nôn ói.
- Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Sinh khương (gừng tươi) làm thuốc và dùng làm gia vị chế biến các món ăn, có tác dụng: Tăng tiết mồ hôi và giải biểu; làm ấm tỳ, vị và giảm nôn; làm ấm phế và giảm ho; giải độc bán hạ…
- Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị.
- Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu.
Ngoài ra, còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội), thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính)... Nhờ vậy mà trong kỹ thuật bào chế, gừng cũng có thể giúp cho thầy thuốc đạt được một số mục đích quan trọng như:
- Sinh địa nấu với gừng sẽ hạn chế bớt tính mát.
- Bán hạ chế với gừng để giải độc.
- Một số loại thuốc khác như: sâm, đinh lăng... cũng thường được tẩm gừng, sao qua để tăng tính ấm và dẫn vào phế vị.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ gừng
- Phụ nữ sau khi đẻ bị cảm lạnh, khí huyết ứ trệ, đầy bụng, mặt nặng, chân lạnh. Trường hợp đau bụng dữ dội do hàn, đau lan ra lưng, sườn: Dùng sinh khương 8g, ngải diệp 12g, quế chi 12g, giấm ăn 15ml, sắc uống.
- Nếu bị tiêu chảy hoặc kiết lị, dùng can khương 8g, tán nhỏ, ăn với nước cháo nóng. Liều dùng: 4 – 12g.
Gừng có vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong.
- Kinh nghiệm dân gian từ lâu đã dùng gừng tươi chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng; dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua cá, chim, thú độc. Ngày dùng 4-8g, dạng thuốc sắc uống. Ngoài ra, còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù, vết thương, giảm đau.
- Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyển và thấp khớp: Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán (thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác).
- Chữa ho lâu ngày: Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) trộn mật ong (1 thìa). Đun nóng, uống dần ít một.
- Đau lưng, đau vai gáy do lạnh: Có thể dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp được thả lỏng hơn. Hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang với muối hột.
- Đau xương khớp mùa lạnh: Ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần là gừng tươi. Hoặc sử dụng gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau.
Nếu như Hàn (thời tiết lạnh) là nguyên nhân gây đau nhức khớp, thì rượu gừng dùng để xoa bóp ngoài khớp giúp làm ấm nóng, tăng tuần hoàn máu có thể giúp giảm đau, tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng không nên lạm dụng.
Gừng có vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn mà còn có thể chống lại virus hợp bào hô hấp, ngăn cản các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Dân gian cũng sử dụng gừng để cạo gió trị cảm lạnh.
Lưu ý: Nếu muốn sử dụng thuốc Y học cổ truyền điều trị bệnh người bệnh nên tư vấn với thầy thuốc hoặc đến cơ sở y tế hợp pháp để được thăm khám, đánh giá, chẩn đoán và sử dụng thuốc thích hợp.
Không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả cây thuốc đông y sẽ không khỏi bệnh hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe. Gừng có tác dụng phụ là làm tăng huyết áp, nếu dùng trên người bệnh có tăng huyết áp hết sức cẩn thận.
Không dùng lượng nhiều, không dùng lâu dài vì bệnh cảnh nhất là người cao tuổi đa bệnh thái, sẽ hết sức nguy hiểm khi tự chữa bệnh cho mình, cho người thân.