Hà Nội

Bước vào giai đoạn cao điểm, Việt Nam sẽ hứng bao nhiêu cơn bão?

05-08-2024 12:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9 với lượng mưa được dự báo cao đột biến, tiềm ẩn lũ quét, sạt lở đất. Kịch bản mùa mưa, bão, lũ, ngập lụt ở miền Trung năm nay có thể giống như năm 2020.

Hơn 250 người thiệt mạng trong tuần mưa bão vừa qua ở châu ÁHơn 250 người thiệt mạng trong tuần mưa bão vừa qua ở châu Á

Trong tuần qua có ít nhất 253 người thiệt mạng do mưa bão tại Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, trong khi mưa lớn cũng gây nhiều thiệt hại ở Triều Tiên.

Thời gian tới, tổng lượng mưa toàn quốc sẽ rất cao

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) cho biết, từ nay đến tháng 10, có 7-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và 4-6 cơn ảnh hưởng Việt Nam. Con số này nhiều hơn giai đoạn trước. Tháng 8-10 thời kỳ 1991-2020 mỗi năm có khoảng 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

"Trong ba tháng tới, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Trung Bộ sẽ cao hơn. Cần đặc biệt đề phòng mưa lũ, ngập lụt ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng tới", IMHEN cảnh báo.

Bước vào giai đoạn cao điểm, Việt Nam sẽ hứng bao nhiêu cơn bão?- Ảnh 2.

Mưa kéo dài gây ngập úng ở Chương Mỹ (Hà Nội).

Nhận định ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 70%, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho rằng trong ba tháng tới Biển Đông có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn vào đất liền. Rất có thể bão, áp thấp hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển nhanh vào bờ.

Do bão dồn dập, cơ quan khí tượng dự báo tổng lượng mưa tháng 9 ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn 5-15%, tháng 10 cao hơn 10-30%. Trung Bộ ba tháng tới lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30%. Riêng tháng 9-10, khu vực này xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu sông chính lên báo động 1-2; sông nhỏ lên báo động 2-3 (cao nhất là báo động 3). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ nay đến cuối năm trên Biển Đông có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 5 - 7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhiều hơn bình quân các năm từ 1 - 2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12 và ảnh hưởng nhiều tới khu vực Trung Bộ.

"Những năm sau khi diễn ra El Nino mà tiếp nối là La Nina thì thường sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp. Thêm vào đó, thời điểm bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều lại trùng với mùa mưa ở khu vực Trung Bộ nên trong nửa cuối năm 2024, các tỉnh miền Trung cần lưu ý tổ hợp thiên tai mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập.

Ngoài ra, các hiện tượng mưa lũ kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh, gió đông mạnh thì có khả năng xảy ra mưa rất lớn ở khu vực miền Trung. Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt ở các đô thị miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An... và khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào Quảng Ngãi sẽ nhiều hơn các năm". Cơ quan khí tượng thủy văn đã tính toán tới kịch bản mùa mưa, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất ở miền Trung năm nay giống như năm 2020.

Đối với khu vực Bắc Bộ, ông Hưởng cho biết mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, dù mới bắt đầu mưa nhưng đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Do vậy, khi mùa mưa vào chính vụ thì nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt đô thị ở Bắc Bộ sẽ gia tăng và nhiều hơn.

Thiên tai rất phức tạp, cần sẵn sàng ứng phó

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ đầu năm đến nay có một áp thấp nhiệt đới vào miền Trung, một cơn bão đổ bộ miền Bắc, nhưng cả nước ghi nhận 104 người chết, mất tích, phần lớn do sạt lở đất, lũ quét. Thiệt hại vật chất ước tính 2.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn 7 tháng đầu năm 2020 với 53 người chết, chủ yếu do giông, sét. Cả năm 2021 số người chết do thiên tai là 101, năm 2023 là 131.

Theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12. Nhưng mùa mưa bão năm 2024 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định là diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của La Nina.

Phân tích về La Nina, ông Nguyễn Duy Chinh, Viện phó Viện Khí tượng thủy văn, chỉ ra rằng, La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm Thái Bình Dương và khi đó, mưa sẽ nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa và lũ nhiều hơn bình thường. Theo ông Chinh, La Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão, nhưng vấn đề này phải có nghiên cứu cụ thể mới có thể kết luận một cách chính xác.

Chuyên gia khuyến cáo, những cơn bão hình thành trên Biển Đông thường nguy hiểm hơn do chúng ta ít có thời gian chuẩn bị. Chính vì vậy việc cảnh báo sớm là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Năm nay, do có sự xuất hiện của La Nina nên mùa mưa bão có thể kéo dài đến các tháng cuối năm. Trong lịch sử, những cơn bão gây ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam cũng thường xảy ra vào giai đoạn cuối năm và đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ.

Ngày 4/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành công điện yêu cầu các tỉnh thành, bộ ngành chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, sạt lở đất.

"Các tỉnh cần rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, nhất là sườn dốc có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; khu vực ven sông, suối có thể ngập sâu để chủ động tổ chức di dời người, tài sản. Với những nơi chưa đủ điều kiện di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai", công điện nêu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu nâng cao chất lượng dự báo, thông tin kịp thời để cơ quan chức năng và người dân nắm được tình hình thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Các bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an theo chức năng nhiệm vụ chủ động ứng phó, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy mùa mưa bãoTăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy mùa mưa bão

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của mùa mưa bão 2024, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực bến, bãi sông Hồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

“Sinh con thuận tự nhiên": Trào lưu phản khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro | SKĐS


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn