Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa tháng 7 nhiều nhất lịch sử
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, miền Bắc trải qua tháng 7 với rất nhiều ngày có mưa rào và dông, trong đó xuất hiện nhiều đợt mưa vừa, mưa to diện rộng như đợt mưa từ ngày 2-3/7, từ ngày 15-19/7.
Đáng chú ý trong hai ngày 23-24/7, do tác động của hoàn lưu cơn bão số 2 đổ bộ trực tiếp, miền Bắc có mưa lớn bao phủ kéo dài, nhiều nơi xuất hiện mưa rất lớn như Hà Nội, Sơn La, Hải Phòng, Yên Bái, Điện Biên, lũ quét, sạt lở đất, lũ lụt đã xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của. Từ ngày 29/7, miền Bắc đón thêm một đợt mưa lớn diện rộng, kéo dài đến hôm nay (2/8) và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Dự báo trong ngày và đêm 2/8, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông, riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.
Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, trong tháng 7, tổng lượng mưa hầu khắp các khu vực trên phạm vi cả nước đều ở ngưỡng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, riêng một số nơi ở khu vực nam Sơn La, Hòa Bình, Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Trung Bộ có mưa cao hơn từ 80-120%.
Một số tỉnh miền Bắc có mưa nhiều nhất trong lịch sử tháng 7 kể từ ngày có số liệu quan trắc như Hà Nội, điểm đo Hoài Đức ghi nhận lượng mưa 684,6mm, vượt qua kỷ lục được thiết lập trước đó 27 năm. Riêng ngày 23/7, lượng mưa ghi nhận tại Hà Đông lên tới 189,5mm, cũng là ngày mưa lớn nhất trong lịch sử ở đây, vượt qua kỷ lục năm 2018.
Tại Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La cũng ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 nhiều nhất lịch sử, vượt qua các kỷ lục được lập trong những năm trước đó. Riêng tại Sơn La, lượng mưa trong tháng 7 năm nay đã phá vỡ kỷ lục được duy trì trong suốt 30 năm qua, kể từ 1994.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sang tháng 8 tiếp tục là thời kỳ cao điểm mùa mưa ở các tỉnh miền Bắc nước ta do ảnh hưởng hiện tượng La Nina.
Dự báo tổng lượng mưa trên khu vực Bắc bộ dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm với lượng mưa phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc dao động trong khoảng từ 300-400mm; có nơi trên 500mm. Vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ lượng mưa dao động từ 250-350mm, có nơi trên 400mm. Do có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nguy hiểm.
Mưa lũ khốc liệt gây thiệt hại rất lớn
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, miền Bắc vừa trải qua tháng 7 mưa lũ khốc liệt, mưa lớn lịch sử trong vòng 45 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến ngày 1/8, mưa lũ, sạt lở, ngập úng, lũ quét đã khiến 36 người thiệt mạng.
Theo thống kê, có 11 người trong vụ lở đất kinh hoàng rạng sáng 13/7 khi đi qua huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và ít nhất 25 người thiệt mạng, mất tích trong các đợt mưa lớn xuất hiện dồn dập vào nửa cuối tháng 7 ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và TP Hà Nội. Mưa lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét đã gây thiệt hại hàng trăm ngôi nhà dân, hàng loạt tuyến đường trọng điểm bị sạt lở ách tắc. Hơn 40 nghìn ha hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
Thống kê lượng mưa tại Bãi Cháy của Quảng Ninh, Cò Nòi và thành phố Sơn La của tỉnh Sơn La, tháng 7 năm nay đã trở thành tháng mưa nhiều nhất trong 45 năm qua. Hàng loạt điểm đo mưa khác như Chi Nê tại Hòa Bình, Phố Ràng thuộc Lào Cai; Hoài Đức ở Hà Nội, thành phố Hưng Yên và thành phố Ninh Bình cũng có tháng 7 mưa lớn kỷ lục.
Dự báo trong tháng 8 này miền Bắc sẽ mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Cảnh báo có thể xuất hiện các trận mưa có cường suất mưa lớn đột biến, vài trăm mm chỉ trong nửa ngày. Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét và ngập úng, đặc biệt lưu ý ở khu vực từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng sang Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12. Nhưng mùa mưa bão năm 2024 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định là diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của La Nina.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tháng 8 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc. Mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét. Lúc này những dòng hải lưu từ sâu dưới vùng biển Đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía Đông đến trung tâm Thái Bình Dương. Thực tế theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, tháng 7 năm nay ở trung tâm Thái Bình Dương đã giảm ít nhất là 0,2 độ C so với trung bình mọi năm.
Các dòng nước lạnh hơn này đẩy nước ấm sang bờ Tây Thái Bình Dương, gần về khu vực Châu Á hơn, biểu hiện là nhiệt độ nước biển ở đây đã cao trung bình, có nơi cao hơn 1-2 độ C. Đây chính là những dấu hiệu ban đầu cho thấy El Nino đang dần chuyển sang La Nina, nguyên nhân hình thành các trận bão và mưa lũ dồn dập trong giai đoạn vừa qua.
Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thời tiết, chủ động kế hoạch di chuyển, du lịch, leo núi, giao thương… tới các địa bàn vùng núi, qua những cung đường dễ sạt lở vào thời điểm này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đại án đăng kiểm: Hé lộ thủ đoan đưa bố vợ vào "vai" phụ bán căng tin để nhận tiền hối lộ| SKĐS