Hơn 6 triệu trẻ em được uống vitamin A
Ngày 1/6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Tại điểm kiểm tra, Sở Y tế Hòa Bình đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Chiến dịch trên địa bàn tỉnh và đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị bố trí, sắp xếp các bàn uống vitamin A tại điểm trạm y tế xã Hợp Phong huyện Cao Phong.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tập thể lãnh đạo Sở Y tế trong thời gian ngắn đã chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để tổ chức cho các cháu được uống vitamin A kịp thời, đúng lịch.
Để chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 được tổ chức thành công, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo cơ số thuốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ.
Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông tích cực tham gia vận động các bậc phu huynh đưa trẻ đến uống vitamin A và tẩy giun định kỳ đầy đủ, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 59 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12).
Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, đối với những trẻ em vì nhiều nguyên nhân khác nhau, gia đình không thể đưa đến điểm uống vitamin A thì các trạm y tế phải tổ chức uống lưu động tại nhà cho trẻ, làm sao để tỉ lệ trẻ được uống vitamin A cao nhất.
Ngoài việc uống vitamin A đúng lịch, việc tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về vai trò của vi chất dinh dưỡng là rất quan trọng.
Việc vệ sinh ăn uống, phòng tránh ngộ độc, bổ sung vi chất trong bữa ăn hàng ngày là biện pháp bền vững nhất trong việc phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất của trẻ em, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai...
Năm 2024, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng.
Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao; Bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại; Kết hợp thực hiện tẩy giun cho trẻ em từ 24 tháng đến 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố khó khăn.
Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel - Hoa Kỳ viện trợ. Trong chiến dịch đợt 1, dự kiến có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung vitamin A.
Thông điệp truyền thông Ngày Vi chất dinh dưỡng (1 - 2/6/2024)
Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mỗi người, mỗi gia đình hãy thực hiện:
1. Bữa ăn hằng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn
bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.
4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.
5.Trẻ từ 24 – 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm;
Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
7. Tiếp xúc ánh nắng hằng ngày, đúng cách để dự phòng thiếu vitamin D.
8. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Ngày 1-2 tháng 6, hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.
Cải thiện chất lượng bữa ăn là biện pháp lâu dài phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng
Nhân ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6, Bộ Y tế đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục chung tay với ngành y tế tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em như tăng cường đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện chất lượng bữa ăn, sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.
Đối với trẻ nhỏ, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi. Đối với bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung các sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày.
Đó là những việc làm hết sức cần thiết để chúng ta đạt được các mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022.
Trước đó, ngày 07/5/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 2340/BYT-BMTE gửi các địa phương tổ chức chiến dịch hướng dẫn cho các tỉnh/thành phố để tiến hành tổ chức chiến dịch cho trẻ uống viên nang vitamin A kết hợp với tẩy giun năm 2024.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.
Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế.